Buổi sáng, VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án trong phiên phúc thẩm. Theo đó, VKS cho rằng, hành vi vi phạm của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB số tiền hơn 500 tỷ đồng (hiện chưa được khắc phục).
Trong vụ án này, bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu Tổng Giám đốc PVB) giữ vai trò thấp hơn bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, nhưng cao hơn so với các bị cáo khác cùng tội danh; tiếp đó là đến vai trò của bị cáo Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng Giám đốc PVC, án sơ thẩm 3 năm 6 tháng tù), Nguyễn Xuân Thủy (cựu Phó Trưởng phòng Đầu tư dự án PVB), Khương Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Thương mại PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB).
Về hình phạt, đại diện VKS nhận định, tòa án cấp sơ thẩm đánh giá vị trí vai trò của bị cáo Trần Thị Bình (cựu Phó Tổng Giám đốc PVN) cao hơn bị cáo Phạm Xuân Diệu và Nguyễn Ngọc Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc PVC).
Tuy nhiên, chỉ xử phạt bị cáo Trần Thị Bình 36 tháng tù là bằng hình phạt của bị cáo Nguyễn Ngọc Dũng và nhẹ hơn mức hình phạt của bị cáo Phạm Xuân Diệu; đồng thời lại cho bị cáo hưởng án treo là chưa phân hóa đúng vai trò đồng phạm. Tuy nhiên, do bị cáo không kháng cáo, kháng nghị nên cần giữ nguyên theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
Trong khi đó, xét kháng xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại phần trách nhiệm bồi thường của các bị cáo Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu và Lê Thanh Thái, VKS nhận thấy hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước; các bị cáo gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng thuộc khoản 3 Điều 224 BLHS có mức phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù.
Mặc dù nhận định các bị cáo kháng cáo có vai trò “đặc biệt nghiêm trọng”, nhưng phía VKS cho rằng, các bị cáo đều chưa có tiền án, tiền sự. Hơn nữa, trong quá trình điều tra, xét xử đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Đặc biệt, đối với bị cáo Vũ Thanh Hà, khi thực hiện công việc đã có ý kiến phản đối việc thay đổi thiết kế, phương án thi công của dự án; các bị cáo Phạm Xuân Diệu, Lê Thanh Thái đều là người đồng phạm giữ vai trò thứ yếu và không được hưởng lợi gì trong dự án. Đây là những tình tiết giảm nhẹ mà tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng. Như vậy đã là đầy đủ.
Trên cơ sở đánh giá tính chất hành vi và hậu quả phạm tội, cũng như nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo... tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Vũ Thanh Hà 6 năm 6 tháng tù; Phạm Xuân Diệu 3 năm 6 tháng tù và Lê Thanh Thái 24 tháng tù.
VKS cho rằng, đây đều là các mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng và đã có lợi cho bị cáo; đã phân hóa đúng vai trò đồng phạm. Do đó, VKS đề nghị cần giữ nguyên để đảm bảo tính răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.
Trong phần luận tội, VKS cho hay, các bị cáo đã gây thiệt hại số tiền hơn 500 tỷ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Vũ Thanh Hà có vị trí mức độ lỗi đứng thứ 3 (sau bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh) nên phải chịu 18,42% thiệt hại (100 tỷ đồng); bị cáo Phạm Xuân Diệu và Lê Thanh Thái phạm tội giúp sức thứ yếu nên mỗi người phải bồi thường 7% thiệt hại (10 tỷ đồng) như cấp sơ thẩm xác định là có căn cứ và phù hợp, nên cần giữ nguyên. Tại cấp phúc thẩm không có căn cứ giảm mức bồi thường cho các bị cáo.
VKS cũng nêu quan điểm không chấp nhận kháng cáo xin miễn trách nhiệm dân sự và miễn phần dân sự của các bị cáo Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn và Hoàng Đình Tâm.
Trong khi đó, xét kháng cáo của Công ty TNHH đầu tư Mai Phương về việc xin trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, VKS nhận thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo, cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm.
Từ phân tích trên, VKS bày tỏ không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại phần trách nhiệm bồi thường của các bị cáo Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu và Lê Thanh Thái; không chấp nhận kháng cáo xin miễn trách nhiệm dân sự và miễn phần dân sự của các bị cáo Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn và Hoàng Đình Tâm; không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH đầu tư Mai Phương; giữ nguyên bản án sơ thẩm.