Các bị can bị truy tố thuộc các nhóm tội “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
2 cựu bộ trưởng bị đề nghị truy tố
Theo kết luận điều tra, trong số 38 bị can có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh bị đề nghị truy tố lần lượt ở các tội “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
C03 cáo buộc bị can Nguyễn Thanh Long biết kit test Covid-19 là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Bộ KH-CN giao Học viện Quân y chủ trì, thuộc sở hữu Nhà nước; biết Công ty Việt Á không đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành cho kit test Covid-19 theo quy định, tuy nhiên, theo đề nghị của Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), bị can Long vẫn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit test Covid-19 không đúng quy định.
Sau đó, Bộ Y tế tiếp tục ban hành quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức cho Công ty Việt Á. Theo kết luận của cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Thanh Long là lãnh đạo Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực kế hoạch - tài chính và giao Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cùng Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn đại diện Bộ Y tế thực hiện hiệp thương giá kit test Covid-19 với Công ty Việt Á.
Quá trình hiệp thương, hồ sơ hiệp thương của Bộ Y tế còn thiếu bảng chi tiết yếu tố hình thành giá và Công ty Việt Á thiếu các căn cứ tính giá theo quy định. Nhưng Nguyễn Nam Liên đã báo cáo bị can Long và quyết định, thống nhất giá hiệp thương với Công ty Việt Á là 470.000 đồng/kit.
C03 cho rằng, Bộ Y tế công bố giá không có căn cứ tạo mặt bằng giá để Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, địa phương theo giá kit test đã được Phan Quốc Việt nâng khống, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Quá trình Công ty Việt Á sản xuất, tiêu thụ kit test bị can Long đã thông qua Nguyễn Huỳnh là thư ký của mình để gợi ý, đề nghị và được Phan Quốc Việt đưa 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng).
Bị can Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế |
Cùng bị đề nghị truy tố trong vụ án trên, C03 cáo buộc bị can Chu Ngọc Anh biết Công ty Việt Á quản lý, khai thác và sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài không đúng quy định, xâm hại quyền sở hữu, quản lý tài sản của Nhà nước nhưng không thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý theo quy định.
Ngược lại, bị can Chu Ngọc Anh còn tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí về kết quả nghiên cứu và cấp phép kit test cho Công ty Việt Á; trực tiếp ký quyết định khen thưởng, ký tờ trình đề nghị Thủ tướng khen thưởng cho Công ty Việt Á và chỉ đạo cấp dưới ký công văn gửi UBND TPHCM đề nghị giúp Công ty Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Quá trình này, bị can Chu Ngọc Anh được hưởng lợi 200.000 USD do Phan Quốc Việt đưa tại phòng làm việc, số tiền này được xác định là “vì vụ lợi”.
Công ty Việt Á hưởng lợi 1.200 tỷ đồng
C03 xác định, căn cứ các quy định của pháp luật về KH-CN, hợp đồng thực hiện đề tài KH-CN, toàn bộ kinh phí thực hiện đề tài là hơn 18,9 tỷ đồng do Bộ KH-CN chuyển cho Học viện Quân y. Kit test Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất trên cơ sở kết quả nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, thuộc sở hữu của Nhà nước do Bộ KH-CN đại diện chủ sở hữu.
Bị can Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN |
Căn cứ các văn bản liên quan, C03 xác định lợi nhuận định mức mà Công ty Việt Á được hưởng khi được giao quyền sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa kit test Covid-19 phục vụ phòng chống dịch Covid-19 là 5%; xác định giá thành sản xuất kit test Covid-19 khi được giao quyền sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19 là hơn 143.000 đồng/kit. Vì vậy, số tiền hưởng lợi trái phép của Công ty Việt Á là số tiền được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa giá bán kit test Covid-19 với giá thành sản xuất. Theo kết quả điều tra, tổng số tiền hưởng lợi bất chính của Công ty Việt Á là hơn 1.200 tỷ đồng.
Qua vụ án, C03 kiến nghị Bộ KH-CN và Bộ Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ KH-CN, quản lý sinh phẩm y tế, đảm bảo khách quan, minh bạch. Kiến nghị Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành có liên quan chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp dịch bệnh, thiên tai, địch họa..., đặc biệt đối với các gói thầu có giá trị lớn. Quá trình điều tra, C03 xác định dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân liên quan nhưng do thời hạn điều tra đã hết, C03 tách thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm của các cá nhân này để tiếp tục điều tra, xử lý.
C03 cho rằng, quá trình sản xuất, bán kit test Covid-19 cho các đơn vị, cơ sở y tế công lập, sử dụng ngân sách Nhà nước, Phan Quốc Việt và đồng phạm đã có hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền hơn 402 tỷ đồng.
Hậu quả, thiệt hại của hành vi phạm tội của các bị can thuộc cơ quan quản lý nhà nước là toàn bộ số tiền hưởng lợi trái phép của Công ty Việt Á (hơn 1.200 tỷ đồng trừ đi số tiền xác định hậu quả, thiệt hại của Phan Quốc Việt và đồng phạm là hơn 402 tỷ đồng), do đó, xác định số tiền phải thu hồi là hơn 800 tỷ đồng.
Thủ đoạn biến tài sản công thành tư của Phan Quốc Việt
Theo C03, để thực hiện thủ đoạn biến đề tài thuộc sở hữu Nhà nước thành của mình, Phan Quốc Việt đã chi tổng số tiền 3,45 triệu USD (gần 79 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng cho một số bị can là những lãnh đạo các bộ, ngành.
Phan Quốc Việt (trái) trong buổi họp báo giới thiệu bộ kit test Covid-19, tháng 3-2020 |
Ngoài ra, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được Bộ KH-CN phê duyệt tham gia phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài kit test Covid-19. Sau đó, Phan Quốc Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn để Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời và đăng ký lưu hành chính thức kit test Covid-19 cho Công ty Việt Á, từ đó biến kit test từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH-CN quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á.
Những bị can đưa, nhận hối lộ số tiền lớn:
- Bị can Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á: đưa hối lộ hơn 106,6 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 432 tỷ đồng
- Bị can Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á: đưa hối lộ hơn 32 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 325 tỷ đồng
- Bị can Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế: nhận hối lộ 2,25 triệu USD
- Bị can Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương: nhận hối lộ 27 tỷ đồng
- Bị can Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN, Bộ KH-CN: nhận hối lộ 350.000 USD
- Bị can Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế: nhận hối lộ 300.000 USD
- Bị can Nguyễn Huỳnh, cựu Thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế: nhận hối lộ gần 54 tỷ đồng
- Bị can Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế: nhận hối lộ 100.000 USD
Những bị can gây thiệt hại lớn cho Nhà nước:
- Bị can Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN: gây thất thoát hơn 18,9 tỷ đồng
- Bị can Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN: gây thất thoát gần 19 tỷ đồng
- Bị can Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang: gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 88 tỷ đồng
- Bị can Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương: gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 55,7 tỷ đồng
- Bị can Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương: gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 73,8 tỷ đồng…
GIA KHÁNH