Cụ thể, bị cáo Xuân xin được chia sẻ nỗi đau đối với thân nhân người bị hại, và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để ông có cơ hội làm lại cuộc đời, chăm lo con nhỏ và phụng dưỡng người thân lớn tuổi.
Các bị cáo còn lại cũng chia sẻ nỗi mất mát không gì bù đắp được với gia đình các nạn nhân và mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, áp dụng chính sách khoan hồng để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Trong khi đó, bị cáo Phạm Thị Hồng (cựu Phó Đội trưởng Phòng PCCC - Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Bình Dương) vẫn giữ quan điểm mình bị kết án oan, đề nghị HĐXX công tâm, tuyên án đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Tại phiên tòa này, luật sư bào chữa cho bị cáo Hồng và bị cáo Vũ Trường Sơn đã đưa ra nhiều lập luận, chứng cứ cho rằng việc buộc tội đối với hai bị cáo này là không có cơ sở, mang tính quy kết không có chứng cứ phù hợp theo quy định của pháp luật. Đối đáp lại, vị đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương trình bày nhiều luận điểm và giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo.
Kết thúc phần tranh luận và nói lời sau cùng tại tòa, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX thông báo vụ án có nhiều tình tiết cần được xem xét, do đó HĐXX sẽ nghị án kéo dài và dự kiến tuyên án vào ngày 30-10-2024.
Sáng cùng ngày, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương đã đề nghị mức án đối với các bị cáo. Cụ thể: bị cáo Lê Anh Xuân (SN 1980, chủ quán karaoke An Phú), Vũ Trường Sơn và Phạm Quốc Hùng (cựu cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương) bị đề nghị từ 5 đến 6 năm tù; bị cáo Nguyễn Thành Luân (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thái Bình Anh), bị đề nghị 3 đến 4 năm tù, cùng về tội “Vi phạm các quy định về PCCC”; bị cáo Nguyễn Văn Võ (cựu cán bộ Đội Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Thuận An) bị đề nghị mức án từ 3-4 năm về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Phạm Thị Hồng bị đề nghị cao nhất với mức án từ 7-8 năm tù về tội “vi phạm các quy định về PCCC”.