Trước khi diễn ra phiên tòa, Bộ Công an đã yêu cầu những người đang bỏ trốn ra đầu thú để hưởng khoan hồng và thực hiện quyền tự bào chữa. Song, đến ngày xét xử, các đối tượng này vẫn “biệt tăm” nên tòa án đã chỉ định các luật sư bào chữa khi xét xử vắng mặt.
Theo bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên, các bị cáo đang bỏ trốn, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tòa tuyên phạt 30 năm tù; Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc AIC) 25 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng AIC) 6 năm tù; Nguyễn Thị Sen (cựu Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Môi trường) 30 tháng tù; Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty MOPHA) 4 năm tù; Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) 5 năm tù; và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiến) 4 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn trong vụ án AIC |
Sau gần 1 tháng tuyên án sơ thẩm, nhiều bị cáo có đơn kháng cáo. Trong đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo Nhàn là chủ mưu, chỉ đạo việc thông thầu, việc định giá thiệt hại là quá cao...
Về việc luật sư chỉ định gửi đơn kháng cáo cho các bị cáo đang bỏ trốn có đúng quy định, phù hợp hay không? Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Trọng Đại (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự) phân tích: Căn cứ theo Khoản 2 Điều 331 (Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015) và Điểm 0, Khoản 1 Điều 73 (Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015) thì luật sư được quyền kháng cáo bản án, quyết định của tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Tuy nhiên, mới đây, tại bản án số 05/2023 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên về vụ án trên đã cho phép người bào chữa cho các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo.
Luật sư Hà Trọng Đại |
Theo luật sư Đại, vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm diễn ra khá đặc biệt. Trước khi khởi tố, có 7 bị cáo không có mặt tại nơi cư trú. Sau khi khởi tố, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã. Tại phiên tòa, 7 bị cáo đã vắng mặt và việc truy nã không có kết quả. Như vậy Tòa án nhân dân TP Hà Nội vẫn đưa vụ án ra xét xử là đảm bảo đúng các quy định pháp luật.
Việc tòa án chấp nhận cho người bào chữa thực hiện quyền kháng cáo cho các bị cáo vắng mặt theo quan điểm của luật sư Hà Trọng Đại có những lý do:
Thứ nhất, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã thực hiện đúng tinh thần của pháp luật hình sự là đảm bảo tính nhân văn, thực hiện tối thiểu quyền con người của các bị cáo. Nguyên tắc này thể hiện bản chất Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đảm bảo sự công bằng cần thiết cho mọi thành viên trong xã hội trước pháp luật.
“Công lý là đích đến cuối cùng của hoạt động tố tụng hình sự, nhưng cũng không vì thế mà đánh đổi, hoặc để đạt được mục đích bằng mọi giá. Vậy nên Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xem xét đến cách thức hoạt động để đạt được công lý và đảm bảo không chỉ hợp pháp mà bao hàm cả tính hợp lý của vụ án”, luật sư Đại nhấn mạnh.
Thứ hai, công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm và không trái với đạo đức xã hội. Theo đó, tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ quy định quyền của người bào chữa thực hiện việc kháng cáo chứ không cấm. Việc kháng cáo có được chấp nhận hay không chấp nhận sẽ do tòa án cấp phúc thẩm xem xét.
Thứ ba, trong vụ án có 7 bị cáo vắng mặt, theo luật sư Đại, họ đang từ bỏ quyền bảo vệ cho chính mình hoặc vì một lý do nào đó không có điều kiện để tự bảo vệ quyền lợi của mình thì việc kháng cáo của người bào chữa sẽ giúp họ có cơ hội tự bào chữa tại phiên tòa cấp phúc thẩm. Luật sư Đại cho rằng, điều này cũng đảm bảo đúng tinh thần của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (đảm bảo 2 cấp xét xử).
Thứ tư, theo quy định tại Luật Luật sư, Bộ Quy tắc ứng xử nghề luật sư thì việc kháng cáo của người bào chữa không làm xấu đi tình trạng của bị cáo (kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt). Theo luật sư Đại, điều này nên làm bởi nó phù hợp với đạo đức của người luật sư - người bào chữa.