Trước đó, một nhóm gồm 23 người từ TPHCM cùng thuê xe hợp đồng mang theo 5 xe máy để về quê. Đến 4 giờ ngày 4-8, đoàn người này đến chốt kiểm soát ở địa phận Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế), tuy nhiên trạm này nhất quyết không nhận, buộc phải quay đầu lại.
Khi thấy đoàn người ngồi chờ đợi tại trạm trung chuyển hầm Hải Vân cầu cứu, các nhóm thiện nguyện ở đây đã cho thức ăn, nước uống và giúp liên hệ đến công an TP Đà Nẵng.
Theo anh Huỳnh Mích, một người trong đoàn, nếu giờ quay lại TPHCM thì họ cũng không còn đủ tiền. “Đoàn chủ yếu là công nhân và làm thuê, lại ở trọ, mỗi người trong nhóm dành dụm tiền được tổng cộng 20 triệu đồng để thuê một chuyến xe về quê đã là khó với chúng tôi rồi. Mất việc cũng gần 3 tháng, chúng tôi thật sự nghĩ không còn cách khác mới về quê”, anh Mích tâm sự.
Theo ông Nguyễn Ngọc Rạng, Trạm Trưởng Trạm CSGT Cửa Ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng), mặc dù địa bàn trạm trung chuyển không thuộc quản lý của Trạm CSGT Cửa Ô Hòa Hiệp nhưng trước tình hình có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự nên đơn vị đã cho lực lượng đến phối hợp cùng công an phường, lực lượng địa phương động viên, hỗ trợ bà con.
Sau khi liên hệ làm việc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý tiếp nhận 23 công dân này. Trạm vận hành Trung chuyển hầm Hải Vân đã đưa 23 công dân này đến chốt kiểm soát dịch Lăng Cô để địa phương này tiếp nhận, cách ly.
Sau khi Công điện của 1063 của Chính phủ ban hành, số lượng người về vùng dịch có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, trong một hai ngày trở lại đây, số lượng người về lại tăng cao, trung bình mỗi ngày đón gần 100 người từ các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16.
Theo Giám đốc sở TT-TT Thừa Thiên - Huế, điều đáng nói ở đây là thay vì về bằng hình thức tự phát xe máy thì bây giờ, người dân lại được các nhà xe dịch vụ mời gọi trên mạng xã hội và chi trả để chạy ra khỏi các tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16 để về địa phương. Các phương tiện này thường dùng cách chở người về, thả tại trước các chốt kiểm soát và quay đầu để người dân tự xử lý với địa phương.
Một số trường hợp lại có hình thức phức tạp hơn là treo băng rôn “Chuyến xe 0 đồng” trước xe nhưng trên thực tế khi tìm hiểu thì người dân đều thuê dịch vụ với chi phí cao. Một số trường hợp khi bị lực lượng kiểm tra thì quay đầu và thả người dân trên dọc đường để người dân tự xử lý.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Sơn, hiện nay, một số thông tin trên mạng đưa tin tỉnh Thừa Thiên - Huế không đón người dân về là hoàn toàn không chính xác, đây chính là "thủ đoạn" của các loại hình xe dịch vụ, xe cóc, xe cố tình vi phạm. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các loại phương tiện như thế này.
Trong ngày 3-8, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận, cách ly hơn 55 người về và trong sáng này 4-8 đã có hơn 200 người về từ các tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16.