Ngày 20-10, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, người đàn ông ngộ độc cấp sau khi uống sữa đã đủ điều kiện xuất viện, sau 6 ngày điều trị tích cực.
Trước đó, ngày 15-10, ông Phạm Minh Tân (55 tuổi, Tiền Giang) uống 50ml sữa bột liền bị choáng váng, nhức đầu, khó thở, buồn ói. 5 phút sau, ông không thở được và không nhận biết được xung quanh.
Sau khi cấp cứu ở bệnh viện địa phương, ông được chuyển lên TPHCM ngay trong đêm.
Các bác sĩ nhận định, bệnh nhân bị ngộ độc cấp do biến chuyển cực kỳ nhanh sau khi tiếp xúc một loại sữa. Bệnh nhân được tiến hành thở máy lưu lượng cao, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu...
Đến nay, các chỉ số xét nghiệm về gần như bình thường, cho thấy đã loại bỏ tất cả chất độc ra khỏi cơ thể, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Bệnh nhân sinh hoạt bình thường, đủ tiêu chuẩn xuất viện.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc nhận định độc chất được gấp rút triển khai nhằm có hướng can thiệp hiệu quả nhất.
Dựa trên diễn tiến lâm sàng, cận lâm sàng, diễn tiến của tình trạng nhiễm độc, suy luận lúc này hướng về các nhóm có độc tính cực kỳ cao; không màu, không mùi, không vị để người uống không phát hiện ra bất thường; độc chất phải tìm thấy trên thị trường hay do một vi sinh vật nào đó trong sữa tạo ra.
Từ đó, các bác sĩ liệt kê 5 độc chất theo thứ tự nghi ngờ nhất: Cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin (bột mã tiền), botulinum. Đây là những chất kịch độc gây tử vong rất nhanh, có nhiều dạng khác nhau nhưng điểm chung là chất màu trắng, không mùi không vị.
Trong 5 chất này, chỉ có nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat là có thuốc giải độc đặc hiệu, còn lại là điều trị triệu chứng, hồi sức mà chủ lực là lọc máu. Sau khi khu trú được các nhóm độc chất, bác sĩ có phương hướng điều trị tiếp theo.
Cũng theo TS-BS Lê Quốc Hùng, một xét nghiệm cho thấy cơ thể bệnh nhân có một loại men giảm, phù hợp với tình trạng người bị ngộ độc nhóm thuốc organophosphate. Tuy nhiên, chính xác độc chất là gì sẽ do cơ quan chức năng công bố, khi có kết quả xét nghiệm mẫu sữa trước đó.
Trước đó, như báo SGGP thông tin, khoảng 6 giờ ngày 14-10, bà Phạm Thị Phấn phát hiện con trai là Phạm Văn Yên (45 tuổi) chết tại nhà. Tối cùng ngày, con gái bà Phấn dự tang lễ, pha 100ml một loại sữa bột cho mẹ uống. Sau đó, bà Phấn có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn, khoảng 5 phút sau thì tử vong.
Rạng sáng 15-10, ông Phạm Minh Tân đến phụ tổ chức đám tang cho mẹ, pha 150ml cùng loại sữa bột để uống, sau đó bị nhức đầu, chóng mặt, ói, được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc sữa.