Chạm tới trái tim khán giả
Vì không lời bình, khán giả đã được chứng kiến, được nghe, được cảm nhận những gì đang ngày đêm diễn ra sâu bên trong khu nhà của bệnh viện.
“Hơn 50 phút không lời dẫn nhưng bộ phim kịch tính đến nghẹt thở, từng phút, từng giây khiến người xem không thể rời mắt với ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh, xem để mình thấy từng hơi thở mỗi ngày là điều quý giá biết chừng nào”, khán giả Thanh Vân (Long Biên - Hà Nội) chia sẻ.
Dù đã được đọc nhiều câu chuyện, xem nhiều clip được một số tình nguyện viên chia sẻ từ tâm dịch nhưng khi xem phim, khán giả cảm nhận sâu sắc rằng, trên cuộc đời này, vẫn có những con người quên hết mọi thứ để cứu sống người khác, nhẫn nại và bao dung để yêu thương người xa lạ như người thân của mình, và đôi khi không màng đến nguy hiểm mà bản thân đang phải đối diện.
Theo thống kê sơ bộ, từ 30-5 đến 1-9, khu K1 Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận 861 sản phụ F0. Trong đó có 804 ca mẹ tròn con vuông, 5 ca tử vong, 57 ca nặng chuyển lên bệnh viện tầng 5 trong tháp điều trị Covid-19.
Các y bác sĩ đã phải đứng trước rất nhiều ranh giới và sự lựa chọn để giữ lấy sinh mạng cho không chỉ một người mà là hai mẹ con. Và những hộ lý, bác sĩ ở K1 ấy, giữa những tiếng chuông điện thoại liên hồi, giữa tiếng gọi của bệnh nhân... không có một phút ngơi nghỉ trong cuộc chiến giành giật sự sống.
“Phim tài liệu là vậy: thực tế chân chất đầy thuyết phục với con người và sự việc. Cảm phục Ranh giới!”, NSƯT Lê Đại Chức cho biết ông đã gọi điện để cảm ơn những điều mà ê kíp chuyển tải đến người xem sau hơn 20 ngày “cắm chốt” ở tâm dịch.
Trong thâm tâm chúng ta đều biết, hiện thực luôn khốc liệt hơn phim. Song Ranh giới đã trổ ra một ô cửa sổ giúp khán giả biết được ngoài kia có gì, giúp chúng ta nhận thức rõ hiện thực rằng nguồn lực xã hội của chúng ta có hạn, đội ngũ y tế đang lao lực để cứu lấy tính mạng của người dân, rằng Covid-19 không chừa ai cả.
Trân trọng từng hơi thở…
Để thực hiện những thước phim đặc biệt này, cuối tháng 7-2021, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng với 4 đồng nghiệp khác của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam được cử vào TPHCM - tâm dịch Covid-19 của cả nước ở thời điểm bấy giờ. “Nhóm có 5 anh em từ Hà Nội vào, chia thành 2 kíp.
Ở chung một khách sạn, nhưng tách riêng 2 tầng biệt lập không tiếp xúc với nhau. Vì đều phải ra vào thường xuyên những khu vực nguy cơ và tiếp xúc với quá nhiều người, nên tách nhau ra để nếu kíp này nhiễm thì vẫn còn kíp khác làm việc”, biên tập viên Nguyễn Hoa, thành viên của nhóm, chia sẻ.
Theo đạo diễn Ranh giới, khi chưa bắt tay thực hiện, mọi người đều băn khoăn về nhân vật, kịch bản… Nhưng khi được chứng kiến mọi việc diễn ra trước mắt, cảm nhận được lằn ranh mong manh giữa sống và chết, được nghe tiếng khóc của các em bé chào đời… đã thôi thúc những người làm phim phải thu trọn vào khuôn hình những gì đang diễn ra ở nơi này. Không có một nhân vật cụ thể, một câu chuyện của riêng ai, nhưng phim đã cho người xem thấy bức tranh chân thực về những gì đang xảy ra ở tâm dịch.
Ban đầu, đoàn chỉ định quay 7 ngày, rồi thời gian được đẩy lên gấp đôi. Đến ngày thứ 15 thì các y bác sĩ bảo là không nên vào nữa, thời gian thế đủ rồi, vào nhiều nữa sẽ bị nhiễm bệnh.
“Không cứu được đau lắm, khi thấy một bệnh nhân bị vậy là đau từ trong tim, tất cả bao nhiêu con người mà cũng không cứu được”, lời của một bác sĩ trong ê kíp cấp cứu chia sẻ.
Biên kịch Lê Quý Hiền xúc động: “Không cần rao giảng, hò hét, những thước phim này đã khiến người xem răn mình không được chủ quan trước dịch bệnh”.
Giãi bày những băn khoăn về quyền riêng tư của bệnh nhân, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói: “Tôi biết khi phim công chiếu, khán giả sẽ nói nhiều về quyền con người, bảo vệ hình ảnh bệnh nhân. Trong Ranh giới, nếu mọi người xem sẽ thấy 90% nhân vật là bệnh nhân nặng, bất động, không nói được thì ê kíp sẽ không quay thẳng mặt mà quay xa, quay qua vai... Những nhân vật xuất hiện thẳng, rõ mặt đều là những người còn nói chuyện được”.
Đạo diễn cũng cho biết, anh đã ở trong bệnh viện, gặp bệnh nhân, trò chuyện, gặp gỡ họ hàng ngày. Với tất cả bệnh nhân, anh đều giới thiệu mình làm gì, phim ra sao, họ đồng ý mới quay.
Anh nói thêm: “Chúng tôi sẽ thêm vào dòng chữ - Những chia sẻ trong bộ phim đã nhận được sự đồng ý từ nhân vật, để giảm những băn khoăn về quyền riêng tư của nhân vật”.
Theo kế hoạch, sau khi phát sóng phim tài liệu Ranh giới, tập phim Ngày con chào đời của ê kíp cũng sẽ dự kiến lên sóng 22-9, trên VTV1.