Vớt rác trên sông, kênh, rạch vẫn chủ yếu dựa vào sức người

Ngày 20-9, Sở TN-MT TPHCM phối hợp với Tổ chức Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch”.

dai bieu.jpg
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: MINH HẢI

Tại hội thảo, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết TPHCM có 101 tuyến sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy, dài khoảng 912km. Trong những năm qua, thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, duy trì hệ thống giao thông thủy nhằm đảm bảo giao thông thông suốt. Tuy nhiên, tình trạng rác thải, lục bình, rong cỏ đã làm ô nhiễm môi trường, cản trở lưu thông dòng chảy, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, vận tải hành khách và du lịch đường thủy.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, từ năm 2019, UBND TPHCM đã giao Sở GTVT tổ chức thực hiện vớt rác, lục bình, rong cỏ trên 5 tuyến đường thủy như Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi, Kênh Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè... với công nghệ vớt thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động con người kết hợp với một số thiết bị nâng cẩu đã được áp dụng từ năm 2013.

Để có thể đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trên sông, kênh, rạch Sở GTVT kiến nghị UBND TP ban hành hệ thống định mức, đơn giá làm cơ sở triển khai vớt rác đại trà trên các tuyến sông, kênh, rạch; có chính sách đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ tiên tiến. Trước mắt là chú trọng thực hiện trên các tuyến nội thành, các tuyến liên tỉnh có mật độ và khối lượng rác cao. Phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, quận, huyện trong công tác thu gom rác từ hệ thống thoát nước và trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó cục trưởng, Cục kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN-MT), cũng cho biết hiện nay cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn chất thải sinh hoạt/ngày, năng lực của chúng ta mới chỉ thu gom, xử lý khoảng 88,34%, còn 12% chưa được thu gom xử lý. Đây chính là nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán vào sông, kênh, rạch. Để giải quyết vấn đề này, các biện pháp quản lý nghiêm ngặt của chính quyền địa phương và sự hợp tác từ các bên liên quan là yếu tố quan trọng.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam, chia sẻ bằng cách thu gom rác thải trên sông, chúng ta đang trực tiếp ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền ra biển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ thu gom rác thải ở các tuyến đường thủy là rất quan trọng, và việc cải thiện quản lý rác thải trong thành phố sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường. UNDP mong muốn tiếp tục hợp tác với TPHCM trong các dự án về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn và xây dựng các cơ sở thu hồi vật liệu.

20240920_084111.jpg
Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: MINH HẢI

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, cho biết để đạt các mục tiêu về cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh, rạch việc kiểm soát nguồn thải, bao gồm thu gom, xử lý nước thải, rác thải đô thị là nhiệm vụ mà thành phố hiện đang nỗ lực thực hiện. Đối với vấn đề rác thải trên sông kênh rạch, một mặt, Thành phố tăng cường các giải pháp ngăn ngừa xả thải bừa bãi, duy trì thường xuyên công tác thu gom, xử lý rác thải trên sông, kênh, rạch; đồng thời thành phố đặt trọng tâm triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải từ nguồn, từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn thành phố, đảm bảo 100% rác thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực và đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cùng nhau đưa ra những đề xuất hữu ích nhằm từng bước giải quyết triệt để vấn đề toàn cầu - ô nhiễm nhựa đại dương, bắt đầu bằng những giải pháp bền vững đối với chất thải trên sông, kênh rạch, vì môi trường và vì chính chất lượng cuộc sống của chúng ta và các thế hệ mai sau.

Tin cùng chuyên mục