Ngày 26-12, UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia và bàn phương pháp bảo tồn các cá thể voọc gáy trắng.
Vị trí đàn voọc gáy trắng sinh sống là một dãy núi đá vôi rộng khoảng 10 ha, là khu “rừng thiêng” được dân bản bảo vệ nên không bị chặt phá, săn bắt, chân núi nhiều cây bụi, dây leo, xung quanh là nương rẩy bà con dân tộc Vân Kiều canh tác.
Đàn voọc thường xuất hiện trên đoạn đường dài khoảng 1km thuộc đường liên thôn Cha Lý - Sê Pu và đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (đoạn qua xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) mỗi khi nghe tiếng động cơ xe máy qua lại thì voọc nhảy ra đường giao thông rượt đuổi, cắn vào bắp chân người đi đường. Đến nay đã có 15 người bị voọc tấn công bị thương nặng và tai nạn xe máy.
Việc các cá thể voọc gáy trắng tấn công ngưởi là tình huống mới phát sinh trong thực tiễn công tác bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn. Chưa xác định được nguyên nhân, tác nhân gây ra sự nhiễu loạn tập tính và tấn công người của đàn voọc này.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển cho hay, phương án bảo tồn ở vị trí hiện tại tương đối khó do diện tích hẹp và gần khu vực dân cư nên dễ xảy ra xung đột và có chiều hướng gia tăng.
Trong trường hợp phải di dời thì nên di dời đến một địa điểm khác tại địa phương trên địa bàn huyện Hướng Hóa vì đây là vùng phân bố của các cá thể này.
Cụ thể địa điểm được chọn di dời là một vị trí có dãy núi đá vôi thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, ở đây cách xa khu vực dân cư, giảm thiểu các xung đột về sau này, có sinh cảnh tốt với diện tích 628 ha, khu vực này trước đây cũng đã từng xuất hiện voọc sinh sống vào năm 2007 – 2008.
Ông Tilo Nadler, chuyên gia linh trưởng, đồng tình với ý kiến của nhóm chuyên gia Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển, vì diện tích khu vực sinh sống của đàn voọc này rất hẹp, vẫn chưa thể xác định được chỉ có 3 cá thể hay hơn nữa. Và vì động vật có thể phát triển thêm nữa nên môi trường sinh sống có diện tích hẹp không đảm bảo sự phát triển lâu dài của bầy đàn. Vì thế, phương án di dời ra khu vực khác, rộng hơn, có môi trường sống tốt hơn là rất tốt.
"Cứu hộ cũng như bắt động vật có thể bắn mê hoặc bẫy động vật bằng lồng, chuồng có thức ăn. Chúng tôi đảm bảo sẽ có chuyên gia nước ngoài về thú y, tất cả thuốc men, thiết bị sẽ hỗ trợ thực hiện đúng kỹ thuật”, ông Tilo Nadler cho biết thêm.