Theo Chủ tịch Ủy ban Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), trong 6 tháng đầu năm nay, vùng Sahel có hơn 1.800 vụ tấn công cực đoan, khiến gần 4.600 người thiệt mạng. Giới quan sát cảnh báo mối đe dọa cực đoan cũng đang mở rộng về phía Nam tới các quốc gia như Ghana và Bờ Biển Ngà.
Niger từng trải qua 4 cuộc đảo chính kể từ khi giành độc lập năm 1960. Với vụ việc mới nhất, Niger trở thành quốc gia thứ 6 ở tiểu vùng Tây Phi, trong đó có cả Mali và Burkina Faso, xảy ra đảo chính kể từ năm 2020. Những cuộc đảo chính xuất phát từ sự thất vọng vì chính quyền thất bại khi ngăn chặn quân nổi dậy ở vùng Sahel. Lâu nay, tình hình ở Niger bất ổn là do ảnh hưởng từ hai cuộc nổi dậy: lực lượng Hồi giáo phía Tây Nam tràn vào từ Mali năm 2015 và từ các chiến binh thánh chiến tại Đông Bắc Nigeria tấn công khu vực phía Đông Nam. Các nhóm chiến binh này liên minh với nhánh al-Qaeda và nhóm IS hoạt động ở Niger.
Bất ổn ở Niger cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nỗ lực của phương Tây, vốn đã đầu tư mạnh vào việc hỗ trợ Niger và các quốc gia láng giềng để chống lại các cuộc nổi dậy kéo dài cả thập niên. Mỹ đã chi khoảng 500 triệu USD kể từ năm 2012 để giúp đào tạo và hỗ trợ quân sự. Đầu năm nay, Liên minh châu Âu còn phát động nhiệm vụ huấn luyện quân sự trị giá 27 triệu EUR (27,5 triệu USD) tại Niger.
Trong khi đó, sự ổn định của Niger có tầm quan trọng chiến lược hạn chế tình trạng di cư trái phép từ châu Phi cận Sahara. Nước này đóng vai trò là đồng minh chủ chốt của EU trong việc ngăn chặn dòng người di cư sang châu Âu thông qua Địa Trung Hải. Nếu thế ổn định ở Niger bị phá vỡ, dòng người di cư sẽ tăng mạnh, làm trầm trọng cuộc khủng hoảng di cư mà các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt.