Gọi bất kể lúc nào
Sau khi nhận hỗ trợ ca F0, giọng bệnh nhân đầu dây bên kia dè dặt lúc bác sĩ (BS) Nguyễn Tấn Thủ nói sẽ gửi thêm tài liệu chăm sóc F0 tại nhà qua Zalo: “Tui nói luôn với BS là tui hổng… biết chữ. Giờ lưu tên BS vô điện thoại để gọi còn không biết ghi nữa”. “Không sao, cô cứ yên tâm, con sẽ dặn kỹ. Cô ráng nhớ, có gì gọi gấp nha!”, BS Thủ trấn an.
Cứ vậy, nhiều ngày liền, BS Thủ tốn khá nhiều thời gian thăm khám, hướng dẫn. “Có khi cổ nghe xong cũng không nhớ. Trên các vỉ thuốc đề rõ ngày uống bao nhiêu viên nhưng cổ đâu biết đọc nên ráng dặn hoài”, anh nhớ lại.
Có hôm, đang ăn trưa, chuông điện thoại đường dây nóng “Vòng tay áo trắng” gọi tới, BS Thủ lật đật bắt máy. Là trường hợp gia đình ở quận Bình Thạnh có 10 F0 và 1 F1. Trong đó, 3 F0 có triệu chứng cần sử dụng thuốc là người lớn tuổi. Ngay lập tức, BS Thủ hội ý nhanh nhóm BS để có phương án hướng dẫn phù hợp.
“Chúng tôi chủ động gọi Zalo cho họ để thăm khám. Qua cuộc gọi video quan sát, tình hình người bệnh vẫn ổn, có thể điều trị tại nhà. Khám xong thì kê đơn thuốc, đưa tình nguyện viên “Tủ thuốc nhân ái” soạn đơn thuốc và giao tận nhà luôn. Mình cũng hướng dẫn kỹ thêm các F0 chưa triệu chứng, F1. Giờ cả gia đình họ đã âm tính, sức khỏe ổn”, BS Thủ kể.
BS Thủ bảo rằng trường hợp cả gia đình đều là F0 như trên rất nhiều, có trường hợp tư vấn liên tục không ngừng vì gia đình chỉ còn người già ở nhà, không biết sử dụng máy theo dõi SpO2, không biết sử dụng kit test, có người không thấy đường phải hướng dẫn rất lâu, nói lớn ông bà mới nghe được. Cũng như 21 BS khác trong mô hình “Vòng tay áo trắng”, thời gian qua, BS Thủ dành phần lớn thời gian trong ngày nhận các cuộc gọi, tin nhắn liên tục.
Có khi, 3 giờ sáng, người nhà bệnh nhân hốt hoảng gọi nhờ cấp cứu, BS lật đật dậy hướng dẫn cách nằm, cách hít thở kịp thời trong lúc chờ cấp cứu. Rồi sáng tinh mơ, 3-4 bệnh nhân gọi tới. Một cụ ông 80 tuổi hôm qua SpO2 95% mà nay tay chân lạnh, SpO2 không đo được, mở camera điện thoại thấy thở ngắt quãng, tay run run. Một cụ bà cũng 80 tuổi, tưởng bà khỏe nên người nhà chiều bà tháo oxy, rồi SpO2 tuột còn 86%, phải gọi gấp giữa đêm…
“Vì ở xa, không thể chủ động nên cái gì làm được cho bệnh nhân là ráng làm. Mỗi ngày mà đọc được tin nhắn “Hôm nay cô khỏe hơn rồi”, “Hôm nay em đỡ ho”, “SpO2 ổn rồi BS”… mừng lắm. Tất cả nhóm y, BS, tình nguyện viên chúng tôi khi làm “Vòng tay áo trắng” cùng “Tủ thuốc nhân ái” chỉ có ý nguyện giúp bệnh nhân, quyết không để sót trường hợp nào gọi đến”, BS Thủ chia sẻ.
Từ tâm bệnh viện, từ nửa vòng trái đất
6 giờ chiều, vừa bước ra khỏi khu vực điều trị Covid-19 Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định nghỉ giải lao, BS Ngô Quang Duy nhận ngay cuộc gọi từ anh Trần Trung (quận Tân Phú). Giọng anh Trung hốt hoảng: “BS Duy ơi, nhà mình 5 người dương tính hết trơn rồi. Ba tôi 71 tuổi phải thở oxy, đã đưa vào BV mà quá tải…”. Qua màn hình cuộc gọi video, BS Duy nhận thấy tình trạng cụ ông có chuyển biến, sau một hồi đắn đo suy nghĩ, người nhà quyết định đưa về điều trị ở nhà với sự hỗ trợ từ xa của BS.
“Sau đó, mình hướng dẫn cách nằm, cách tập thở cho bệnh nhân, kê đơn thuốc; hàng ngày liên hệ theo dõi thở thế nào, ăn uống ra sao, có sốt ho, đau tức ngực hay vấn đề gì phát sinh. May mắn là giờ cả gia đình anh Trung đã khỏe”, BS Duy thở phào kể lại.
Là BS điều trị trực tiếp bệnh nhân tại khu vực điều trị Covid-19 của BV, nhưng BS Duy vẫn luôn dành thời gian để hỗ trợ thêm nhiều F0 tại nhà. Trong ca trực mặc đồ bảo hộ không nghe điện thoại được, nhưng vừa ra ca hay nghỉ giải lao anh lập tức gọi cho họ.
“Nếu khẩn cấp quá, trong ca trực, bệnh nhân gọi mình vẫn ráng nghe máy. Tranh thủ nghe gọi được thì ráng. Ai cũng phải cố gắng chứ vô BV nằm tội lắm. Nhiều người đang tỉnh, quay qua trở nặng phải thở máy có thể “đi” ngay. Chứng kiến quá nhiều sự ra đi, lắm lúc không ngủ nổi. Có đêm, cứ giữ điện thoại trong tay, nhỡ có gì họ còn gọi được”, BS Duy tâm sự.
“Ban ngày, tôi tập trung làm việc bình thường. Có bệnh nhân từ Việt Nam gọi hỏi cần uống thuốc gì, nên làm sao là tôi tư vấn ngay. Thời điểm đó, giờ Việt Nam là khuya. Đến 6 giờ chiều bên này, khi tổng đài tư vấn “Vòng tay áo trắng” ở Việt Nam hoạt động, tôi tập trung hoàn toàn “sống” giờ Việt Nam tới gần 1 giờ sáng. Cứ vậy 3 tuần nay”. Kết nối từ Canada, TS-BS Phạm Nguyễn Quỳnh Anh, hiện công tác nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Alberta, kể khá chi tiết thời gian hỗ trợ F0 tại quê nhà.
Hôm trước cũng là ngày tròn 6 năm chị rời Việt Nam. Dẫu bận rộn, chị vẫn muốn tranh thủ thời gian choàng gánh thêm việc hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà: “Điện thoại tôi nhận liên tục, nhiều nhất là bàn về những quy định mới, hướng dẫn mới cho F0, các điều chỉnh cần có”.
Trải qua giai đoạn dịch bệnh nặng nề ở Canada, chị thấm hiểu vất vả những ngày tháng này. Thấy bạn bè là nhân viên y tế tại TPHCM gồng mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cha mẹ không thể về nhà, con cái trông ngóng…, cứ thấy áy náy không giúp gì được nên khi có thể hỗ trợ F0 tại nhà, “Vòng tay áo trắng” của chị sẵn sàng vượt đại dương đến gần hơn người bệnh.
“Chúng tôi thường chủ động gọi cho bệnh nhân thăm khám; nếu bệnh nhân cần thuốc nhưng không thể đi mua hoặc không có tiền mua sẽ được hỗ trợ thuốc miễn phí với sự giúp sức của “Tủ thuốc nhân ái”. Khi bệnh chuyển nặng, chúng tôi có thể bổ sung thuốc điều trị, hỗ trợ liên lạc oxy tại nhà, tư vấn đi cấp cứu khi cần thiết. Khoảng 1-2 giờ, tôi sẽ kiểm tra xem có bệnh nhân nào chưa có BS nhận để hỗ trợ, tránh bỏ sót”, TS-BS Quỳnh Anh cho biết.
Triển khai chương trình điều trị tại nhà cho F0, những mạng lưới, đội hình như “Thầy thuốc đồng hành”, “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh”, “Tổ y tế từ xa”… với sự tham gia của hàng ngàn y, BS, cán bộ địa phương, tình nguyện viên đã giúp hàng trăm ngàn F0 ổn định tâm lý, vượt qua dịch bệnh.
Chương trình “Vòng tay áo trắng” là một điển hình hỗ trợ F0. 22 y, BS tham gia đều tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM, hiện công tác tại TPHCM, nhiều tỉnh, thành và nhiều nước. Có BS làm việc chính ở BV cả ngày, tranh thủ vài chục phút nghỉ trưa tư vấn cho bệnh nhân, có BS làm riêng chương trình oxy miễn phí…
Tổ y tế từ xa “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” cũng là mô hình hỗ trợ F0 hữu hiệu. Bắt đầu tiếp nhận F0 tại nhà từ ngày 15-8 đến nay, nhóm đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân, phát 250 toa thuốc miễn phí, cung cấp 500 lít oxy miễn phí kết hợp với 30 ATM Oxy cộng đồng. Gần 100 y, BS, tư vấn viên, tình nguyện viên của tổ không quản ngày đêm hỗ trợ F0…
Họ đã sống những ngày như thế, túc trực sẵn sàng hỗ trợ người bệnh mọi lúc, mọi nơi. Và rất nhiều F0 đã chiến thắng Covid-19 ngay trong chính căn nhà của mình… nhờ lòng nhân ái, tận tâm của bao “vòng tay áo trắng”.
Theo TS-BS Quỳnh Anh, chăm sóc F0 tại nhà là xu hướng tại nhiều nước, hơn 80% số người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ tự khỏi sau 10-14 ngày. “Tôi nghĩ việc chăm sóc F0 tại nhà rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi TPHCM đang trở lại với nhịp sống trước đây. Chăm sóc tốt F0 giúp giảm nhiều gánh nặng cho BV các cấp. Bệnh nhân không cần nhập viện, sẽ tránh được nguy cơ bội nhiễm ở BV. Và được chăm sóc tại nhà bởi người thân là một liệu pháp tâm lý hiệu quả, giúp yên tâm điều trị, nhanh khỏi bệnh hơn”, TS-BS Quỳnh Anh nhận định. |