Người ta bảo, nghề huấn luyện viên bóng đá quả là bạc bẽo. Hôm nay, anh có thể được tung hô là anh hùng. Nhưng ngày mai, không biết chừng số phận của anh cũng nghiệt ngã không kém sau mỗi trận thua.
HLV của tuyển Nga Leonid Slutski là người đầu tiên mất việc ở EURO lần này. Roy Hodgson của tuyển Anh cũng đã tuyên bố từ chức. Trước đó, Vicente Del Bosque đã quyết định chia tay tuyển xứ Bò tót sau thất bại “lấm lưng trắng bụng” trước người Italia.
Messi 3 lần vuộc chức vô địch trong màu áo tuyển Argentina
Thắng bại, đi ở là lẽ thường ở cuộc chơi bóng đá. Đời làm HLV bóng đá là vậy. Vinh quang và cay đắng cách nhau chỉ trong tích tắc. Cá nhân tôi cảm thấy tiếc cho Del Bosque, giá như ông kiên quyết chia tay tuyển Tây Ban Nha trên đỉnh vinh quang sau chức vô địch World Cup 2010 và EURO 2012, thì có lẽ người hâm mộ sẽ mãi nhớ về ông như là một người hùng, chứ không phải là một kẻ bại trận như ở EURO lần này. Thế mới thấy thấm thía cái câu: “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”.
Những ai đam mê bóng đá ắt hẳn đã quen với khái niệm gọi là “quy luật nghiệt ngã”. Quy luật để nói về những trận cầu mà một bên cứ mải miết tấn công nhưng vẫn không ghi được bàn thắng để rồi kết cục trận đấu chuốc lấy thất bại khi nhận đòn hồi mã thương từ phía đối thủ của mình.
Ở bên kia bán cầu, một sự nghiệt ngã khác, đến từ cái tên quen thuộc: Messi. Messi từ giã đội tuyển quốc gia. 3 năm liên tiếp vào đến trận chung kết của những giải đấu lớn và cũng là lần thứ 3 Argentina thất bại. Đó là sự nghiệt ngã của bóng đá. Messi đã sưu tập đầy đủ các danh hiệu cá nhân và ở cấp CLB, thế nhưng, anh đều “mất tăm” trong các trận đấu lớn, để rồi “các vũ công Tango” phải nhận lấy thất bại theo cách không thể “cay đắng” hơn.
Những vòng quay nghiệt ngã của trái bóng tròn chắc chắn chưa dừng lại. Thế nhưng bóng đá vẫn phải là bóng đá. Sức ép, sự nghiệt ngã là hệ quả tất yếu của cái danh từ “thể thao vua”.
LÊ QUANG TIỆP
(Đại Lộc, Quảng Nam)
|