Vòng luẩn quẩn

Năm 2017, 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới làm 385 người chết và mất tích, 654 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản lên tới 60.000 tỷ đồng. 
Thông thường chỉ khi có bão lũ lớn, ngư dân đi biển vào trúng tâm bão hoặc trong các trận lụt lịch sử mới có nhiều người thiệt mạng. Nhưng nay, chỉ cần một đợt mưa kéo dài 2 - 3 ngày, thậm chí chỉ qua 1 đêm là cũng có người chết. Chẳng hạn như đợt mưa lũ vừa xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc làm 33 người chết và mất tích, 12 người bị thương. 

Trước đây, nhiều người thường đổ lỗi cho khả năng dự báo mưa lũ sai hoặc chậm, nhưng như vừa qua, thông tin cảnh báo đã được đưa ra khá sớm. Có người cho rằng do thông tin chưa đến được với đồng bào, nhưng ý kiến này không hoàn toàn chính xác, bởi hiện sóng radio, điện thoại, mạng xã hội đã phủ khắp. Thậm chí chỉ bằng kinh nghiệm dân gian, người dân cũng có thể biết khi nào có mưa bão, lũ. Vậy đâu là nguyên nhân? 
Thực trạng rừng đã và đang bị tàn phá là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở ngày càng phổ biến và trên diện rộng hiện nay. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đều có số liệu báo cáo độ che phủ rừng năm sau tăng hơn năm trước (ví dụ đến đầu năm 2018 đã lên tới 41,45%). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng diện tích rừng tăng lên đó chủ yếu là loại rừng trồng để lại chặt làm dăm gỗ xuất khẩu, rừng cây non - chỉ có tác dụng điều hòa không khí, không có tác dụng tích nước, giảm chậm tốc độ dòng chảy. Chỉ có rừng già, rừng nguyên sinh mới có thể ngăn xói lở, sạt trượt, giữ nước, điều tiết dòng chảy… Thế nhưng, đó lại là miếng mồi béo bở của lâm tặc nhiều năm qua. 
Không chỉ những cánh rừng tự nhiên mà ngay cả các khu rừng phòng hộ đầu nguồn cũng liên tục bị lâm tặc đe dọa. Cùng với lâm tặc, rất nhiều dự án thủy điện được chủ đầu tư vẽ ra để nhắm vào 2 mục đích là sản xuất điện kinh doanh và chặt phá, bán gỗ rừng một cách công khai, hợp pháp. Rừng càng mất, lũ về càng nhanh, thủy điện càng phải xả cấp tập hơn. Ngập lụt, sạt lở càng nguy hiểm hơn, nhanh hơn.
 
Theo quy định, chủ đầu tư các dự án như thủy điện, khai thác khoáng sản, du lịch được quy hoạch trên đất rừng phải trồng lại diện tích rừng thay thế ở chỗ khác. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cho biết, đến tháng 4-2018, có 324 dự án thủy điện tại 30 địa phương đã hoàn thành chương trình trồng rừng thay thế với tổng diện tích 24.800ha, nhưng vẫn còn 29 dự án thủy điện chưa thực hiện. Ngay cả những nơi đã trồng bù rừng cũng chỉ là loại rừng non, không đủ sức ngăn lũ lụt. Và khi cả khối nước từ khắp non cao ồ ạt dồn về cùng lúc thì đó chính là những “túi bom nước” khổng lồ gây ra những trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng, thổi bay cả quả đồi, xóa sổ cả ngôi làng như đã diễn ra trong vài năm qua.  Những nạn nhân lại là đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn về điều kiện sống, cơ sở vật chất, hạ tầng. Mất rừng, họ chẳng những mất nguồn sống mà còn bị đe dọa về tính mạng. 

Để ngăn lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái, phải trồng lại những cánh rừng đã mất và bảo vệ rừng tự nhiên. Giải pháp cho vấn đề này là ngăn chặn gỗ lậu, triệt phá lâm tặc; có chế độ chi trả tốt hơn cho người trồng và chăm sóc rừng; công bằng hơn trong việc chia lợi ích, thu nhập giữa những người trồng rừng và những đối tượng đang được hưởng lợi từ rừng. Chẳng hạn chủ các dự án thủy điện, khu du lịch… cần phải trích lại một khoản để trả lại cho đồng bào vì có họ, mới có rừng để làm du lịch, để thủy điện tích nguồn nước. Phải công bằng, sòng phẳng mới thu hút được người dân tích cực trồng rừng, giữ rừng. Còn như hiện nay, thu nhập của người trồng rừng thấp, người dân không mặn mà giữ rừng thì rừng càng dễ mất, kéo theo đó là lũ lụt, thiên tai - một vòng luẩn quẩn. 

Tin cùng chuyên mục