Bà May kêu gọi quốc hội đồng lòng nếu không muốn nước Anh rơi vào kịch bản rời khỏi ngôi nhà chung EU mà không có thỏa thuận. Khi đó, mọi sự bất trắc đều có thể xảy ra từ vấn đề an ninh cho đến việc làm.
Từ tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng May đã phải hoãn kế hoạch đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ viện do lo ngại văn bản này sẽ không được thông qua. Thỏa thuận Brexit trên đã được bà nhất trí với giới chức EU, nhưng vấp phải phản đối của nhiều nghị sĩ Anh do điều khoản lập kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, giúp duy trì biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland sau Brexit. Dù điều khoản này đã góp phần quan trọng giúp Anh và EU khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận, nhưng đây lại là vấn đề đối nội lớn nhất mà bà May vấp phải.
Quyết định của Hạ viện Anh trong ngày 15-1 được dự báo có thể mở màn cho một cuộc chiến Brexit trong lòng nước Anh. Theo giới quan sát, các nghị sĩ Anh đang đối mặt với 3 lựa chọn: Brexit có thỏa thuận, Brexit không thỏa thuận và không có Brexit nữa. Chính phủ của Thủ tướng May đã thuyết phục cả bên ủng hộ Anh ở lại EU và bên ủng hộ rời EU bằng cả hứa hẹn lẫn cảnh báo, hy vọng phe chống lại kế hoạch Brexit sẽ thay đổi ý định và quay sang bỏ phiếu ủng hộ, nhưng đến giờ phút này chiến thuật trên dường như không có mấy tác dụng. Bên ủng hộ ở lại EU hy vọng sẽ kêu gọi thành công để tiến hành trưng cầu dân ý lần hai về việc Anh có nên rời khỏi EU hay không, trong khi phe ủng hộ rời EU thì hướng tới một Brexit không thỏa thuận, nước Anh không còn dính dáng lệ thuộc gì đến các nguyên tắc, quy định luật pháp của EU nữa. Tuy nhiên, mong muốn của cả hai phe này đều khó trở thành hiện thực, căn cứ vào số lượng lớn các nghị sĩ phản đối những dự định trên tại Hạ viện. Điều đáng lo ngại nhất là với những diễn biến trong mấy ngày gần đây, có thể thấy rõ khả năng dự thảo thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May rất khó lòng nhận được đủ số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 15-1.
Theo những đánh giá nội bộ của đảng Bảo thủ, có hai khả năng xảy ra, dựa vào số phiếu cụ thể phản đối/ủng hộ tại Hạ viện. Trường hợp thất bại với tỉ lệ chênh lệch giữa phản đối và ủng hộ dưới 100 phiếu, được đánh giá là thành công đối với chính phủ và Thủ tướng May có thể sẽ phải thuyết phục EU đưa ra thêm những cam kết đảm bảo, để hy vọng việc bỏ phiếu thông qua lần hai trong vài tuần tới sẽ làm hài lòng giới nghị sĩ. Còn trường hợp có số phiếu phản đối chênh với số phiếu ủng hộ lên đến gần 200, sẽ là cú sốc kéo theo nhiều nguy cơ đối với Thủ tướng May và cả đảng Bảo thủ, khiến tình hình sẽ trở nên khó kiểm soát hơn rất nhiều. Trong bối cảnh đó, “kế hoạch B” được đề cập nhiều nhất hiện nay là Thủ tướng May sẽ yêu cầu EU lùi ngày dự kiến rời EU (ngày 29-3) sang một thời điểm khác trong năm nay để có thêm thời gian thuyết phục trong nước. Điều này rất có thể xảy ra, nhưng việc lùi thời gian rời EU cũng đồng nghĩa nước Anh đặt mình vào tương lai bấp bênh.