Thanh khoản dồi dào, lãi suất vẫn neo cao
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, lãi suất tiết kiệm tại Nam A Bank đã lên mức 8,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến. Viet Capital Bank niêm yết mức 8,6%/năm cho kỳ hạn dài. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của VPBank thuộc các chương trình đặc biệt cũng lên 8,4%/năm. Mới đây, SHB cũng đưa lãi suất kỳ hạn 9 tháng lên 8,2%/năm - cao nhất trên thị trường kỳ hạn này hiện nay. Trước đó, ngân hàng này cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,6% - 8,9%/năm kỳ hạn từ 18, 24 và 36 tháng. Chứng chỉ tiền gửi của Vietbank đã có mức lãi suất lên đến 9,1%/năm.
Thông thường, các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động để hút vốn do căng thẳng thanh khoản. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến lãi suất liên ngân hàng, nơi các ngân hàng vay nhau khi cần vốn cho thấy, thanh khoản thị trường vẫn rất tốt nên giúp lượng tiền được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng về qua kênh tín phiếu với mức lãi suất thấp. Cụ thể, tuần qua, NHNN thực hiện hút ròng 24.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, lũy kế từ đầu năm 2019 tới nay, thông qua nghiệp vụ thị trường mở đã có tổng cộng 110.507 tỷ đồng được hút ròng về với lãi suất dưới 3%/năm.
Đại diện một ngân hàng thương mại tại TPHCM đang có lãi suất tiết kiệm cao nhất lên đến 8,8%/năm cho biết, việc tăng lãi suất huy động không liên quan đến thanh khoản. Việc neo lãi suất huy động ở mức cao là nhằm chuẩn bị nguồn vốn đón đầu cơ hội kinh doanh trong các tháng cuối năm. Bình luận về động thái trên, các chuyên gia cho rằng, xu hướng đẩy lãi suất huy động lên mức cao tập trung ở các ngân hàng nhỏ, còn lãi suất huy động tại 4 ngân hàng lớn (BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank) không có nhiều thay đổi. Đồng thời, điều kiện để hưởng lãi suất cao của các ngân hàng rất khó, chẳng hạn để nhận được lãi suất 8,8%/năm, khách hàng phải gửi từ 100 tỷ đồng với kỳ hạn 24 - 36 tháng, nên rất ít khách hàng thỏa được điều kiện này để nhận lãi suất cao. Như vậy có thể thấy, việc tăng lãi suất chỉ là cục bộ chứ mặt bằng lãi suất huy động bình quân thực chất không tăng.
Khó giảm lãi suất chung
Mặc dù lãi suất huy động tại không ít ngân hàng đang neo ở mức cao, nhưng các ngân hàng thương mại vừa bất ngờ công bố giảm lãi suất cho vay kể từ ngày 1-8. Cụ thể, VietinBank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của NHNN, Chính phủ. Agribank cũng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, thấp hơn 0,75% - 1%/năm so với trần quy định của NHNN. BIDV cũng giảm trần lãi suất cho vay xuống 5,5%/năm đến hết năm 2019, dành cho đối tượng khách hàng thuộc các lĩnh vực như xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao. Vietcombank cũng áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1%/năm so với mức quy định, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc những lĩnh vực ưu tiên. Không chỉ ngân hàng thương mại quốc doanh, các ngân hàng cổ phần cũng hạ lãi suất cho vay.
Mặc dù vậy, đánh giá về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, với quy định hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục thắt chặt, lãi suất huy động các kỳ hạn trên 12 tháng sẽ duy trì ở mức cao. Chính vì thế, cơ hội cho lãi suất giảm sẽ chỉ mang tính định hướng, dành cho các lĩnh vực ưu tiên là chủ yếu.
“Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện đã được NHNN giảm về mức 40%. NHNN đang dự thảo tiếp tục giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30% nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong thị trường và các hệ số rủi ro trong hoạt động cấp vốn của nền kinh tế. Vì thế, các ngân hàng thương mại đều phải chuẩn bị đáp ứng tỷ lệ đó bằng cách tăng lãi suất để huy động vốn dài hạn, tránh bị động khi thông tư chính thức được ban hành. Trong bối cảnh đó, tùy theo đối tượng mà ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất khác nhau. DN kinh doanh tốt sẽ hưởng lãi suất ưu đãi, DN có rủi ro cao sẽ phải chịu lãi suất cao. Khi ngân hàng kiểm soát được rủi ro thì sẽ chọn những DN tốt để cho vay. Điều này cũng lý giải vì sao mặt bằng lãi suất đầu vào đẩy lên nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi rất cao”, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích. |