Những dự án “khủng”
Trong số vốn FDI đăng ký nêu trên, có hơn 15,2 tỷ USD vốn đăng ký mới của 1.738 dự án, tăng 4,1%; khoảng 9 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung, tăng 40,5% so với cùng kỳ; gần 6,9 tỷ USD vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc áp dụng các chính sách bình thường mới, nền kinh tế đang ấm lên. Một tín hiệu vui là ngày 8-12-2021, Tập đoàn LEGO công bố quyết định đầu tư nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP (Bình Dương). Trong khi đó, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM ước chỉ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể hơn, vốn đăng ký mới và đặc biệt là vốn tăng thêm tiếp tục duy trì mức ấn tượng so với cùng kỳ. Trong đó, phải kể tới những dự án “tỷ đô” đã được trao giấy phép, góp phần quan trọng duy trì đà tăng vốn. Đứng đầu danh sách này là dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (nhà đầu tư Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD, dự kiến bắt đầu vận hành vào tháng 12-2025. Việc đầu tư xây dựng và khai thác dự án này được coi là bước ngoặt quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng ĐBSCL.
Đứng thứ 2 nhưng lại rất đặc biệt khi có đến 2 lần bổ sung “tỷ đô” là dự án LG Display Hải Phòng (nhà đầu tư Hàn Quốc). Tổng cộng, dự án đã tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD; trong đó điều chỉnh tăng 750 triệu USD vào ngày 4-2-2021 và thêm 1,4 tỷ USD nữa vào ngày 30-8-2021. LG Display Hải Phòng chuyên sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED ti vi, màn hình LCD. Trong những năm vừa qua, LG Display liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, trở thành dự án có vốn FDI lớn nhất ở Hải Phòng. Sau khi dây chuyền sản xuất mới được hoàn thiện, doanh thu xuất khẩu của LG Display dự kiến tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách tăng thêm khoảng 25 triệu USD, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.
Một dự án khác là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ. Dự án Ô Môn II dự kiến áp dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp tiên tiến, sử dụng nhiên liệu sạch là khí thiên nhiên, có hiệu suất cao, thân thiện môi trường và phù hợp với xu thế phát triển bền vững hiện nay.
Ngoài ra, còn 2 dự án có vốn đầu tư lớn khác cũng góp phần đáng kể làm thay đổi cục diện đầu tư là dự án Nhà máy Sản xuất giấy Kraft Vina với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD và dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư 610 triệu USD…
Củng cố niềm tin
Cần phải nói rõ rằng, bên cạnh mảng sáng là vốn đăng ký và vốn bổ sung thì phần vốn góp, mua cổ phần lại giảm mạnh; phần lớn do thị trường M&A toàn cầu bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Nhưng đáng lưu ý hơn là vốn đầu tư giải ngân cũng giảm - chỉ dấu rõ rệt cho sự giảm sút sức khỏe của nền kinh tế do những tác động của đại dịch trong và ngoài nước.
Dù vậy, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vẫn khẳng định, Việt Nam là thị trường khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Một bằng chứng thuyết phục là thị trường chứng khoán năm nay tăng trưởng rất ngoạn mục, VN-Index đạt xấp xỉ 1.500 điểm. So với đầu năm, vốn hóa trên thị trường tăng gấp hơn 2 lần. Thị trường hàng tiêu dùng trong nước và tư liệu sản xuất cũng có quy mô khá lớn.
Quan trọng hơn, thời gian qua Chính phủ đã tỏ ra kiên định duy trì 6 trụ cột chính sách bao trùm khá toàn diện mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Đó là phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; nâng cao chất lượng thể chế; phát triển nguồn nhân lực. Việc tiêm chủng vaccine đủ 2 mũi cho người trên 18 tuổi đã giúp người lao động yên tâm quay trở lại làm việc, các khu công nghiệp tái khởi động sản xuất. Đây là tiền đề để các nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn khi đến với Việt Nam.
Thực tế, công tác ngoại giao năng động và tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua cũng đóng góp rất lớn vào việc củng cố niềm tin để các doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ sở, công nghiệp chế biến chế tạo với công nghệ tiên tiến mà Việt Nam đang cần phát triển. Vì vậy, một hình dung sáng sủa về bức tranh đầu tư nước ngoài trong năm 2022 không phải là không có cơ sở.