Theo Savills, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, 2019 là một năm đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2019, các chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô đầy ấn tượng đã hỗ trợ cho hiệu suất của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp, với tổng lượng đầu tư đạt 24,56 tỷ USD, chiếm hơn 64,6% tổng vốn đầu tư. Năm 2020 cũng có những khởi đầu tích cực. Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 1-2020, Việt Nam đã thu hút được 5,3 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với mức tăng 179,5% cùng kỳ năm ngoái. Trong số 5,3 tỷ USD này, 4,5 tỷ USD đã được đổ trực tiếp vào các dự án FDI mới. Hầu hết dòng vốn dành cho ngành sản xuất điện, nước và khí đốt; ngành sản xuất và chế biến ở vị trí thứ 2, thu hút được 85,33 triệu USD.
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam, đánh giá, EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ việc xuất khẩu các sản phẩm giá trị thấp sang hàng hóa có giá trị cao hơn như các thiết bị công nghệ cao, điện tử, xe cộ và y tế. Các mạng thương mại toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với nhiều đối tác khác nhau, cho phép nhập khẩu đầu vào hoặc hàng hóa trung gian rẻ hơn, từ đó sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Ngoài ra, thông qua việc gia tăng mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể gặt hái những lợi ích của việc chuyển giao kiến thức và công nghệ đi kèm với các khoản đầu tư. Khi Việt Nam mở cửa cho các nhà sản xuất châu Âu trong các ngành công nghiệp như thực phẩm và đồ uống, phân bón, gốm sứ và vật liệu xây dựng, việc loại bỏ thuế quan cũng sẽ có lợi cho các ngành xuất khẩu quan trọng sang châu Âu, bao gồm sản xuất điện tử và điện thoại thông minh, dệt may và nông sản.