Bán hơn 62.300 tỷ đồng
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2021 tăng trưởng 36% nhưng có một “nốt trầm” là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 62.300 tỷ đồng trên toàn thị trường. Dù vậy, việc này không tác động lớn lên thị trường chung vì dòng tiền của nhà đầu tư trong nước năm qua tăng mạnh.
Theo một lãnh đạo Quỹ Dragon Capital, TTCK Việt Nam đang là thị trường cận biên và vẫn chưa được xét vào danh sách các thị trường mới nổi nên đã góp phần hạn chế khả năng thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện trên thế giới, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các thị trường cận biên đang ngày càng ít đi. Cùng với đó, năm 2021 là năm thành công của TTCK toàn cầu nói chung, đặc biệt là thị trường cổ phiếu khi hầu hết các chỉ số chứng khoán (ngoại trừ Trung Quốc và Hồng Công) đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt đỉnh khiến TTCK Việt Nam gặp nhiều cạnh tranh hơn.
Dự báo quay trở lại mạnh mẽ
Đánh giá triển vọng của TTCK Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng, ông James Estaugh, Giám đốc khối dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam, dự báo, VN-Index sẽ tăng lên mức 1.850 điểm nhờ năng lực thị trường cải thiện, hệ thống công nghệ mới và vốn ngoại. Có nhiều lý do để tin tưởng rằng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam mạnh mẽ trong năm 2022. Bên cạnh việc Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô là điểm tựa vững chắc hỗ trợ TTCK thì thị trường cũng có nhiều điểm sáng thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam. Đó là thị trường cổ phiếu của Việt Nam hiện đã tăng trưởng ngoạn mục. Cụ thể, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân trên TTCK Việt Nam năm 2021 đạt gần 26.000 tỷ đồng/phiên (khoảng 1,13 tỷ USD), tăng 250% so với năm 2020, tương đương tăng khoảng 430 triệu USD/phiên. Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân phiên của TTCK Indonesia là 800 triệu USD/ngày, Singapore là 500 triệu USD/ngày và Philippines là 100 triệu USD/ngày. Và thực tế khối ngoại đã quay trở lại TTCK Việt Nam mua ròng từ đầu năm 2022 lên tới cả ngàn tỷ đồng.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI, cho biết, trong năm 2022, TTCK Việt Nam được nhiều nhà đầu tư ngoại đánh giá có triển vọng tích cực, kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ đầu tư sẽ quay trở lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước nằm trong diện phải tập trung hoàn thành IPO và thoái vốn trong 2 năm tới đây có nhiều cái tên trong ngành bán lẻ, tiêu dùng, dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Thống kê từ FiinGroup - công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính - cho thấy, trong tháng 1-2022, khối ngoại đã mua ròng gần 500 tỷ đồng trên toàn thị trường. Mặc dù chưa thể khẳng định xu hướng mua ròng trở lại của khối ngoại trên thị trường, song theo phân tích, vốn nội có phần suy yếu thì việc mua ròng của khối ngoại sẽ tạo nhiều triển vọng tích cực cho TTCK. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại liên tục mua ròng trong tháng 1 và đầu tháng 2-2022. Số liệu thống kê cho biết, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.960 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng theo phương thức khớp lệnh trong tháng 1-2022 và đây cũng là nhóm cổ phiếu được khối ngoại giải ngân nhiều nhất trong tháng đầu năm. Việc gom mạnh cổ phiếu ngân hàng trên thị trường khiến cho nhóm cổ phiếu này hiện đang là nhóm cổ phiếu tích cực nhất, giúp giữ đà tăng của thị trường xung quanh mốc 1.500 điểm sau khi hàng loạt cổ phiếu bất động sản giảm mạnh.
Bà Phạm Thùy Dương, Phó Giám đốc bộ phận phân tích Quỹ Dragon Capital, cho biết, quỹ này đang phân bổ đầu tư cho nhóm ngành ngân hàng cao hơn tỷ trọng của nhóm cổ phiếu khác trong rổ chỉ số VN-Index. “Tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn rất hấp dẫn nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao, đặc biệt là phân khúc khách hàng bán lẻ. Cùng với đó, rủi ro tín dụng được kỳ vọng giảm nhẹ trong cả năm 2022 so với năm 2021 nên chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2022", bà Dương cho hay.
Một số ngành có thể sẽ thu hút mạnh dòng vốn ngoại trên TTCK trong năm 2022 là ngân hàng, bán lẻ, tiêu dùng… Ngân hàng thường là nhóm có tỷ trọng lớn trong danh mục của các quỹ đầu tư. Ngoài ra, nhóm này còn có nhiều tiềm năng tăng giá trong năm tới do mặt bằng định giá ở mức hấp dẫn và được kỳ vọng nới room ngoại, tăng vốn... Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ, tiêu dùng có triển vọng hồi phục tích cực sau đại dịch Covid-19. Tiếp đến là nhóm bảo hiểm, y tế - đối tượng mà khối ngoại hướng đến vì là nhóm có nhiều động lực tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người đầu tư cho hoạt động chăm sóc sức khỏe. |