Nhà đầu tư Trung Quốc “soán ngôi”
Phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước đã ghi nhận có 1.082 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 5,34 tỷ USD, tăng 50,4%. Ngoài ra, còn có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký. Mặt khác, có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với mức tăng thêm 2,11 tỷ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo các chuyên gia kinh tế, điểm bất ngờ trong hoạt động đầu tư từ đầu năm 2019 đến nay là có sự thay đổi rất lớn vị trí quốc gia dẫn đầu.
Theo đó, Nhật Bản đã tuột khỏi hạng quốc gia đầu tư hàng đầu về số lượng và tổng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Thay vào đó, Hồng Công (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD, chiếm gần 33% tổng vốn đầu tư. Kế đến là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 1,98 tỷ USD, chiếm 13,6%. Đứng vị trí thứ 3 là Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8%… Sự thay đổi vị trí quốc gia dẫn đầu đầu tư cũng kéo theo sự thay đổi trong cơ cấu lĩnh vực đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, trong 19 lĩnh vực thu hút mạnh dòng vốn ngoại thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72%. Kế đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 742,7 triệu USD, chiếm 5%.
Không dừng lại đó, bà Nguyễn Vân Nga, Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Công thương, cho biết từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam rất lớn. Dư địa thị trường nội địa và xuất khẩu ở các lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, dệt may, mỹ phẩm… tiếp tục là mãi lực hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Gần đây nhất, các đoàn DN của Mỹ, Pháp, Ý cũng đã đến làm việc trực tiếp với UBND TPHCM để tìm hiểu môi trường đầu tư tại đây.
Lo bị vạ lây bởi thuế phòng vệ thương mại
Ở chiều ngược lại, DN trong nước tỏ ra lo ngại khi vốn đầu tư từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng đang có sự tháo chạy đầu tư tại thị trường Trung Quốc và điểm đến an toàn nhất chính là Việt Nam.
Điều này cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam rất hấp dẫn. Mặt khác, những chính sách ưu đãi đầu tư như chi phí thuê đất, thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền sản xuất… của Chính phủ Việt Nam đang tạo ra nhiều thuận lợi trong hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho DN trong nước.
Rủi ro lớn nhất là nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá từ những vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng dày đặt tại thị trường Mỹ và gây ra hiệu ứng domino áp thuế phòng vệ thương mại tại các thị trường khác trên thế giới. Một lo lắng khác, kim ngạch xuất khẩu sẽ bị chiếm lĩnh bởi DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện hơn 70% tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu đã thuộc về DN FDI. Tỷ lệ còn lại thuộc về DN nội, nhưng dự báo đang bị thu hẹp nhanh do hấp lực của vốn ngoại tại thị trường Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ.
Trước thực tế đó, nhiều DN trong nước đang phải nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất để giảm chi phí giá thành sản phẩm, tăng nội lực cạnh tranh. Về phía cơ quan chức năng đang gấp rút đẩy mạnh vai trò kết nối DN với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để giải quyết nhanh nhu cầu về vốn sản xuất.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhấn mạnh ở góc độ ngành, bộ cũng như sở đang đẩy mạnh phát triển thương hiệu cho các DN Việt. Theo đó, bước đầu sẽ chứng nhận những thương hiệu Việt cho những DN có năng lực. Kế đến, tùy theo từng lĩnh vực sản xuất, sẽ có giải pháp hỗ trợ và kết nối thị trường phù hợp.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, bộ đang làm việc với các tỉnh thành để xây dựng sản phẩm thương hiệu địa phương, thương hiệu Việt, thương hiệu quốc gia. Song song đó, kết nối với hệ thống phân phối ngoại để không những phát triển hàng Việt tại thị phần nội địa mà còn mở rộng thị phần ra nước ngoài; từng bước nâng chất và đưa hàng Việt tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hẹp chênh lệch tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu giữa DN trong nước và DN FDI.
Để tránh bị vạ lây từ hoạt động áp thuế chống bán phá giá đang diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ và lan rộng trên thị trường toàn cầu, Bộ Công thương khuyến cáo các hiệp hội, DN trong nước tránh tiếp tay cho các DN gian lận xuất xứ sản xuất. Đồng thời, DN chủ động cải thiện quy trình sản xuất, gia cố bộ phận pháp lý để luôn chủ động ứng phó với các khả năng bị kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra dày đặc trong thời gian tới |