Vốn không giải ngân hết sẽ trình Quốc hội hủy dự toán

Riêng với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện. Đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của chương trình, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến cuối tháng 8, số tiền hỗ trợ lãi suất tương đương khoảng 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng.

Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 9, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân tín dụng ưu đãi đạt hơn 21.000 tỷ đồng cho hơn 366.000 lượt khách hàng; đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và 5.194.162 lượt lao động.

Thời gian tới, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Về sử dụng số vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung đối tượng vào Nghị quyết số 43/2022/QH15 và bố trí số vốn gần 3.000 tỷ đồng còn dư sau khi thực hiện chính sách nêu trên cho 5 dự án thuộc ngành y tế.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Đồng thời Chính phủ kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình đến hết năm 2024.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ KH-ĐT cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố. Các cơ quan có liên quan đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, tổ chức phối hợp, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Mặc dù vậy, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các dự án chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ, tính hiệu lực, hiệu quả, ý nghĩa của nghị quyết. Việc xác định danh mục các dự án thuộc chương trình chưa bảo đảm tính chặt chẽ, sát thực, có nhiều thay đổi so với danh mục đã báo cáo Quốc hội… Một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với chính sách tài khóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; trong đó một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,6% kế hoạch; chính sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa, trong đó nổi bật là chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra.

Tuy vậy, đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, có trường hợp rất chậm như giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình đạt khoảng 28,9%; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 10,8%; cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 21,9%...

Đại biểu dự họp

Đại biểu dự họp

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về chính sách tiền tệ, dư nợ tín dụng (tính đến 29-9) chỉ tăng 6,92%, cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn rất yếu. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế.

Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách trong thời gian còn lại của Nghị quyết (đến hết 31-12-2023); bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đã đặt ra.

Riêng với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này. Đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của chương trình, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Ngân sách nhà nước.

Tin cùng chuyên mục