Trong năm 2022, Đồng Nai dự kiến thu hút 1,1 tỷ USD vốn đầu tư FDI, trong đó riêng các khu công nghiệp (KCN) là 700 triệu USD, nhưng đến hết tháng 6, toàn tỉnh mới chỉ thu hút được 321 triệu USD, bằng 42,5% kế hoạch. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thu hút vốn FDI vào tỉnh đang có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Nếu năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh thu hút được 2,3 tỷ USD thì năm 2020 giảm mạnh còn 1,45 tỷ USD và năm 2021 tổng vốn đầu tư theo giấy phép cấp mới, tăng vốn đạt 1,272 tỷ USD. Với tình hình kinh tế thế giới diễn biến không mấy thuận lợi do chiến sự ở Ukraine thì chưa lấy gì đảm bảo trong 6 tháng còn lại của năm nay, tỉnh sẽ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.
Lý giải cho tình hình này, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân là do quỹ đất sạch cho thuê trong các KCN không còn nhiều. Toàn tỉnh có 31 KCN đang hoạt động với tỷ lệ thuê đất làm nhà xưởng sản xuất, kho bãi hay trụ sở công ty đã đạt 84% và phần còn lại chủ yếu là đất “da beo”, lởm chởm nên khó thu hút được các nhà đầu tư cần quỹ đất lớn, nhất là các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Nhìn sang tỉnh lân cận như Bình Dương, nhờ có quỹ đất sạch tương đối lớn nên trong vài năm gần đây vẫn giữ vững được đà tăng trưởng trong thu hút vốn FDI. Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương dẫn đầu cả nước với 2,53 tỷ USD vốn FDI, tăng 98,2% so với cùng kỳ; trong khi, Đồng Nai đang tụt lại phía sau, đứng cuối trong tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước, sau cả Thái Nguyên, Long An. Rõ ràng, bên cạnh việc chọn lọc các dự án đầu tư FDI sử dụng ít lao động phổ thông, có hàm lượng giá trị công nghệ cao thì việc thiếu quỹ đất sạch đang là một trở ngại trong thu hút dòng vốn ngoại đầu tư vào Đồng Nai.
Để giải quyết tình trạng này, Đồng Nai đã bổ sung vào quy hoạch thêm 8 KCN, mở rộng thêm 3 KCN với tổng diện tích hơn 4.100ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Long Thành và đang chờ Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng phê duyệt. Sau đó, tỉnh cần đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thủ tục có liên quan để sớm đưa các KCN mới vào hoạt động, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng nên phối hợp với các bộ, ngành liên quan mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả đang giao cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý bổ sung vào nguồn dự trữ phát triển KCN thời gian tới để tăng sức thu hút với các nhà đầu nước ngoài, nhất là với các tập đoàn lớn.