Tại báo cáo thị trường bất động sản quý 3-2021 vừa được Bộ Xây dựng công bố, tính đến hết tháng 9-2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào ngành kinh doanh bất động sản tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 9 - 2021 từ 0,6 tỷ USD đến 1,78 tỷ USD. Theo đó vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản cũng có xu thế tăng dần theo quý. Như vậy, Việt Nam vẫn đang được đánh giá có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang còn những thông tin chưa tích cực. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, số lượng bất động sản tồn kho ước tính vào khoảng 15.067 căn, chứng tỏ khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản trong quý 3-2021 giảm so với quý trước. Nguyên nhân là do một số địa phương lớn phải thực hiện giãn cách kéo dài do dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng tại nhiều tỉnh thành trọng điểm như TP Hà Nội, TPHCM, Bình Dương,…
Đặc biệt, hiện có tới 28% đơn vị sàn giao dịch bất động sản có nguy cơ giải thể, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.
Còn theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là hơn 6.000 doanh nghiệp (chiếm 13,7%), số lượng doanh nghiệp xây dựng chờ giải thể là hơn 4.000 doanh nghiệp (chiếm 12,6%).
Tín hiệu tích cực là số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới trong 9 tháng đầu năm cũng tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.