Tuy nhiên, cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Theo dự báo, cả năm nay, mức giải ngân có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021.
Cụ thể, trong 10 tháng qua, có 1.570 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Song tổng vốn đăng ký chỉ đạt gần 9,93 tỷ USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 880 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 13,4% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 8,74 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn có 2.997 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 2,2% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, có 2 lý do chính dẫn đến sự sụt giảm của vốn đăng ký mới. Đó là do trong các tháng cuối năm 2021, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022. Thứ hai, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa - chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và do đó, đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.
Điểm sáng là vốn tăng thêm rất tích cực, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.
Tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tiếp tục tăng, đạt mức cao hơn 9 tháng đầu năm. Trong đó, dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn 2 lần (920 triệu USD và 267 triệu USD); dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; dự án Nhà máy Chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD… Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,9 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ở góc độ đối tác, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 5,34 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,19 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 3,9 tỷ USD.
Mặc dù vậy, theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất trong 10 tháng năm 2022, chiếm 20,6% số dự án mới, 34,4% số lượt điều chỉnh và 34,6% số lượt góp vốn, mua cổ phần.