Các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký bỏ vốn vào 18 ngành, lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn 10,83 tỷ USD, chiếm 49,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,25 tỷ USD, chiếm 23,98% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,28 tỷ USD, chiếm 5,86% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nếu tính theo đối tác, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 5,62 tỷ USD, chiếm 25,63% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, chiếm 24,92% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Xét về địa chỉ tiếp nhận đầu tư, hiện Thanh Hoá là tỉnh thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 3,06 tỷ USD, chiếm 13.9% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,95 tỷ USD, chiếm 13,48% tổng vốn đầu tư. Nam Định đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,2 tỷ USD chiếm 10% tổng vốn đầu tư.
Đáng lưu ý, gần đây, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng (tính đến ngày 20-7), các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,05 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tốc độ tăng vốn FDI giải ngân đang trên đà được cải thiện so với những tháng đầu năm.