Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến ngày 20-3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính lũy kế đến ngày 20-3, cả nước có 39.758 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 475,83 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 301,8 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Cụ thể, có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 23,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,77 tỷ USD (tăng 57,9% so với cùng kỳ).
Về vốn điều chỉnh, có 248 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 934,6 triệu USD (giảm 22,6% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, có 604 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 14,1% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 466,2 triệu USD (giảm 61,7% so với cùng kỳ).
Đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,55 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư, tăng 51,3% so với cùng kỳ 2023; Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 2 với hơn 1,05 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. Đầu tư của Singapore và Hồng Kông chủ yếu là đầu tư mới, chiếm lần lượt 89,5% và 79,1% tổng vốn đầu tư của Singapore và Hồng Kông trong 3 tháng.
Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản… Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 3 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 đối tác hàng đầu (Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã chiếm tới 72,7% số dự án đầu tư mới và gần 82,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 27,8%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,8%).