Ngày 3-11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi khảo sát về hiệu quả đầu tư các dự án đầu tư công và quản lý sử dụng vốn phân cấp chi cho đầu tư xây dựng cơ bản; tình hình chấp hành ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý tại Sở GTVT TPHCM.
Tại buổi khảo sát, Sở GTVT TP cho biết, trong năm 2017, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản đối với các chương trình, dự án được giao là 6.416 tỷ đồng, trong 10 tháng đã thực hiện 4.789 tỷ đồng đạt 74,65% kế hoạch, giải ngân 4.311 tỷ đồng đạt 67,2%.
Trong 10 tháng năm 2017, mặc dù vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông đô thị có tăng so với các năm trước (tăng 64,1% so với năm 2016) nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu (chỉ đáp ứng 56,3%).
Theo Sở GTVT TP, việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chậm bố trí vốn nên thời gian thực hiện kéo dài khiến tổng mức đầu tư tăng. Trong đó, nhiều công trình sử dụng nguồn vốn từ các chương trình đầu tư công phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công dẫn đến chậm triển khai thực hiện. Vì vậy khó đáp ứng được mục tiêu đề ra nhằm giải quyết kịp thời các hư hỏng phát sinh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả và an toàn giao thông.
Đồng thời, một số quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ - CP của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công còn chưa phù hợp với tình hình thực tế như việc quy định về điều kiện dự án được bố trí vốn thực hiện phải được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đến ngày 31-10 của năm trước kế hoạch. Do đó, nhiều dự án có quyết định đầu tư sau ngày 31-10 kéo dài thời gian thực hiện do chưa được bố trí vốn.
Đồng thời, đảm bảo đáp ứng vốn để thực hiện trước công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm của TP.
TP chỉ đạo các quận, huyện, các đơn vị liên quan tập trung thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời các hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo đúng tiến độ đã cam kết, xác định rõ trách nhiệm các đơn vị trong việc gây chậm trễ tiến độ thực hiện các công trình và có biện pháp chế tài cụ thể, hữu hiệu.
TP quan tâm tháo gỡ, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc trong giải quyết chính sách, giá đền bù giải phóng mặt bằng các dự án do các quận, huyện thực hiện, khẩn trương hoàn tất hồ sơ quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời và tái định cư phục vụ công tác quyết toán các dự án còn tồn đọng.
Bên cạnh đó, UBND TP xem xét kiến nghị Chính phủ điều chỉnh điều kiện bố trí vốn khởi công mới cho các dự án sau khi đã hoàn tất các thủ tục đầu tư mà không phụ thuộc mốc thời gian ngày 31-10 năm trước năm kế hoạch đối với các dự án đầu tư sử dụng của địa phương trong khả năng tự cân đối và khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, phân cấp cho UBND các cấp được điều hành linh hoạt, chủ động xác định đối tượng và ban hành lệnh khẩn cấp đối với các dự án khẩn cấp sử dụng vốn cân đối ngân sách cấp mình quản lý để phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.