Đáng chú ý, tại đây, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành mới Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định số 83, 95, 80 của Chính phủ theo hướng nâng cao chất lượng của các đầu mối kinh doanh xăng dầu, qua việc nâng điều kiện làm thương nhân phân phối về kho cảng, doanh nghiệp. Theo đó, đầu mối kinh doanh xăng dầu ngoài việc tận dụng năng lực ngoài xã hội phải có khả năng chủ động nhất định về vật chất, kỹ thuật, tài chính…
Ông Phạm Văn Thanh cũng kiến nghị tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo Nghị định 123 của Chính phủ trong hoạt động bán lẻ xăng dầu. Thực hiện kết nối trực tiếp dữ liệu từ các kho xăng dầu, cột bơm xăng dầu đến cơ quan hải quan, thuế; xác định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Đối với xăng dầu dự trữ quốc gia, Petrolimex tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm điều chỉnh lại mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia phù hợp với thực tế, vì phí dự trữ quốc gia hiện nay ban hành từ năm 2003, đến nay đã qua 21 năm mà chưa thay đổi.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch. Sớm xây dựng, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái, tự sản, tự tiêu; ban hành các quy chuẩn, quy định đồng bộ với thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy trên cả nước với dự án lắp đặt điện mặt trời áp mái trên hệ thống kho, cảng xăng dầu; có chính sách ưu tiên, khuyến khích hỗ trợ nguồn lực cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; nghiên cứu triển khai các dự án chuyển dịch xanh, khí amoniac, hydroxen xanh…
Trong khi đó, về lĩnh vực ngân hàng, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng. Ví dụ, tại Agribank, hiện nay đang huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng, dù ngay từ đầu năm 2024, Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng. Thu nhập 2 tháng đầu năm 2024 của Agribank giảm gần 1.200 tỷ đồng so cùng kỳ 2023.
Trong thời gian tới, Agribank sẽ chủ động tiếp tục cân đối để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng, nhất là doanh nghiệp; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Trước đó, chiều 2-3, tại họp báo Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng cho biết, 2 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ của các năm, dù thanh khoản rất dồi dào. Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Thanh Hà cho rằng, trước hết do yếu tố mùa vụ. Sau khi chúng ta có tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4% thì đến tháng 1, tháng 2 là tháng tết, nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn không được tăng trưởng như quý IV năm trước. Năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc, các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu; thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.
Tuy nhiên, cũng có tín hiệu đáng mừng là tín dụng tháng 1 giảm nhưng tháng 2 giảm ít hơn, nhu cầu tín dụng tháng 2 có tăng lên. Như vậy tín dụng tháng sau đã tăng trưởng hơn. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và tăng trưởng nền kinh tế.