Mối lo từ trên trời
Hệ thống ông Donald Trump muốn triển khai gợi nhắc đến hệ thống phòng không Vòm sắt đã phát huy hiệu quả bảo vệ Israel, đánh chặn hàng ngàn tên lửa tầm ngắn, các phương tiện bay không người lái (drone) và các loại đạn pháo khác kể từ khi được triển khai vào năm 2011.
Tuy nhiên, các mối đe dọa tên lửa mà Mỹ phải đối mặt rất khác so với các tên lửa tầm ngắn mà hệ thống Vòm sắt của Israel được thiết kế để đối phó. Theo đánh giá của quân đội Mỹ trong tài liệu lĩnh vực phòng thủ tên lửa (Missile Defense Review) công bố năm 2022, Trung Quốc đã có khả năng tiến gần hơn đến Mỹ với tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh, trong khi Nga đang hiện đại hóa các hệ thống tên lửa liên lục địa và không ngừng cải thiện các tên lửa có độ chính xác cao.
Tài liệu trên cũng cho biết mức độ đe dọa từ drone, vốn dĩ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Ukraine, có khả năng gia tăng. Ngoài ra, Missile Defense Review cảnh báo về mối nguy hiểm từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và Iran, cũng như các mối đe dọa từ đạn pháo và tên lửa của các tác nhân phi nhà nước.
Theo thông tin mà kênh CNN có được, American Iron Dome sẽ sử dụng các hệ thống thiết bị tân tiến trong không gian để phát hiện và tiêu diệt các mối đe dọa. Tướng không quân của Pháp, Bruno Clermont, nhận định bài học lớn nhất rút ra từ những cuộc xung đột gần đây là mối đe dọa từ trời cao, từ mọi loại tên lửa và drone. “Chúng ta đang được chứng kiến một giai đoạn mà các hệ thống tấn công phát triển mạnh mẽ cỡ nào, các hệ thống phòng không cũng sẽ phải phát triển theo như vậy”, Tướng Clermont nói.
Xây dựng phòng thủ dẫn đến phát triển tấn công
Báo The Independent cho rằng Mỹ hiện đã có hệ thống phòng không đặc biệt hiệu quả với hệ thống Patriot và các bệ phóng tên lửa Stinger, cho phép Mỹ phóng và đánh chặn tên lửa. Chad Ohlandt, một kỹ sư tại tổ chức tư vấn RAND Corporation cũng cho hay Lầu Năm Góc đã triển khai nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa có thể bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi hàng chục tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. American Iron Dome, về nguyên tắc sẽ kết hợp một loạt công nghệ có sẵn, chẳng hạn như hệ thống tên lửa Patriot, các dàn tên lửa được triển khai trên các tàu ở Alaska hoặc các trạm radar theo dõi tên lửa.
Dự án của ông Donald Trump không mới, bởi cố Tổng thống Ronald Reagan đã từng khởi xướng một chương trình bảo vệ Mỹ chống lại mối đe dọa hạt nhân dựa trên hệ thống phòng thủ chống tên lửa, gọi là Sáng kiến Phòng thủ chiến lược (còn được mệnh danh là Chiến tranh giữa các vì sao). Nhưng sau đó, chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã để dự án này rơi vào quên lãng.
Ông Christophe Wasinski, một chuyên gia về các vấn đề vũ khí của Bỉ, nhận định hệ thống phòng thủ kiểu Vòm sắt có một đặc điểm là mang lại sự tự tin cho người sở hữu nó. Việc triển khai một lá chắn có khả năng vô hiệu hóa vũ khí công nghệ cao cũng sẽ làm suy yếu nguyên tắc răn đe hạt nhân, theo đó, cả hai bên đều chấp nhận mình yếu thế để hạn chế bất kỳ hành động gây hấn nào. Nhưng nếu Mỹ không còn cảm thấy dễ bị tổn thương, Washington sẽ tự do hành động hơn theo cách quân sự.
Theo chuyên gia Wasinski, trước những sáng kiến đó của Mỹ, các quốc gia như Trung Quốc và Nga sẽ sản xuất thêm nhiều tên lửa, vì một hệ thống như vậy không thể đánh chặn được 100%. Một hệ quả khác là hai nước đối thủ của Mỹ sẽ phát triển các tên lửa siêu thanh bay nhanh đến mức có thể xuyên qua các lá chắn hiện có. Nói cách khác, một biện pháp phòng thủ tưởng chừng đơn giản như vậy có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang.
Cùng quan điểm trên, ông Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm Phân tích chính trị - quân sự tại Viện Hudson (Mỹ), cho biết Nga và Trung Quốc luôn khẳng định nếu Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tốt hơn, Moscow và Bắc Kinh sẽ phát triển các hệ thống tấn công có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ của Washington. Trả lời phỏng vấn đài VOA, ông Weitz cho hay kế hoạch American Iron Dome cũng như sự quan tâm của ông Donald Trump về việc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân với Trung Quốc và Nga, sẽ khó thuyết phục được Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, hãng thông tấn Tass dẫn lời một nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cảnh báo American Iron Dome đã chấm dứt triển vọng cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược đối với kho vũ khí hạt nhân.