1. “Thằng Hai hay thằng Ba về với má vậy bây”. Trong giấc mơ, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kịch, 95 tuổi, ngụ ấp Mũi Lớn 1, xã Tân An Hội (huyện Củ Chi) cứ ngỡ con mình vẫn còn ở trong khu, lâu lâu về thăm má. Đã nhiều lần gặp má Kịch, ấn tượng được chúng tôi nhớ mãi là nụ cười và giọng nói móm mém, hài hước khi gặp bất cứ ai, dù mới lần đầu. “Bây còn nhớ má hả. Tau già rồi, hổng còn nhớ đứa nào”. Nói rồi, má đi nhanh ra gian nhà ngoài, “Bây ngồi đi, má lấy nước uống”. “Má còn nhớ chuyện về các anh kể tụi con nghe với?”, chúng tôi hỏi má. “Thằng Hai là dân chủ lực miền à nghen, oánh nhiều trận dữ lắm đó”.
Thằng Hai mà má Kịch kể chúng tôi nghe là liệt sĩ Nguyễn Văn Xợi, Trung đoàn Quyết Thắng, trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 được giao nhiệm vụ thọc sâu vào các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Khi hay tin anh Hai hy sinh, má nén lòng khắc nhớ hình ảnh về người con đầu trong lần gặp cuối trước ngày vào chiến dịch. “Thằng đó nó to con, đẹp trai lắm à nghen. Có mấy đứa con gái trong ấp đi du kích mỗi lần nghe nó về là ngấp nghé qua thăm. Hồi đó tau cũng sợ lắm, tụi lính nó mà biết thì chết”.
“Thế còn anh Ba đi năm nào vậy má?”, chúng tôi hỏi tiếp. “Sau trận Mậu Thân, anh Hai nó mất là nó xin vào du kích xã luôn. Tau có nói đợi giữa năm có người trong khu ra rồi theo anh em luôn mà nó hổng chịu. Nó đi theo anh em du kích bên xã Phước Hiệp”. Chỉ chưa đầy một năm sau, má Kịch lại nhận được tin anh Ba Nguyễn Văn Xời hy sinh trong trận đánh phá đồn Cây Trâm. “Rồi tụi lính có hay lại nhà tra khảo không má?”. “Tau ở đây nào giờ, xóm làng ai hổng biết. Tụi lính lâu lâu cũng tới dòm ngó, hỏi này hỏi kia, tau đều nói “hổng biết”. Còn anh em mình tối tối cũng hay ghé nhà. Lần nào anh em về tau cũng dọn cơm nước, có gì ăn nấy. Nồi cơm to nấu mấy lít gạo, vậy chứ ăn vèo cái hết, thấy thương lắm”.
Sau anh Ba Nguyễn Văn Xời hy sinh, má Kịch động viên tiếp anh Năm Nguyễn Văn Xới nối tiếp theo cách mạng. Trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn tháng 4 năm 1975, anh Năm Nguyễn Văn Xới tham gia cánh quân Tây Nam và trở về lành lặn bên má, trở thành nguồn an ủi cho má lúc tuổi già. Điều mà má Kịch trăn trở, đau đáu khôn nguôi, đó là đến nay hài cốt của anh Hai và anh Ba vẫn chưa được tìm thấy. “Thằng Hai thì nghe đâu sau trận Mậu Thân tụi Mỹ nó ủi lấp ở đâu ấy, không sao tìm ra. Còn thằng Ba đã được đưa về xã chôn cất rồi. Sau nghe nói được bốc đi chỗ khác, rồi đưa về nghĩa trang An Nhơn Tây. Mà lên trển hỏi tên nó, hổng tìm thấy trong sổ. Chắc là chôn chung cốt với số anh em vô danh rồi”, má Kịch nghẹn lời.
2. Đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Lơ, 83 tuổi, ngụ ấp Mũi Lớn 2, xã Tân An Hội (huyện Củ Chi), chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện kể về 2 liệt sĩ là người thân yêu nhất của má. Đó là liệt sĩ Phan Văn Rương, chồng má, hy sinh năm 1969 và liệt sĩ Phan Thanh Hùng, con trai độc nhất của má, hy sinh trong một trận đánh của cánh quân Tây Nam tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975.
Má Huỳnh Thị Lơ nhớ lại: “Sau ngày ổng hy sinh, thằng Hùng nhất quyết đòi theo cách mạng để trả thù cho ba nó. Nó đi theo dượng Sáu nó ở trên R gì đó. Lúc đó nó mới có mười mấy tuổi hà. Nó đi lần đó là đi luôn, hổng thấy tin tức gì hết. Cũng như ba nó, nó hy sinh ngày nào đâu có biết mà cúng giỗ hàng năm cho đúng ngày. Ổng thì tôi cứ theo cái giấy báo tử nhận được là ngày 13 Tây tháng 1 năm 1969 làm giỗ. Còn thằng Hùng, tôi nhớ cái ngày anh em báo nó hy sinh là rằm tháng giêng năm 1975, còn hơn 1 tháng gì đó là giải phóng Sài Gòn mà. Ngày hy sinh cụ thể là ngày nào của hai cha con nó thì hổng biết”.
Trong câu chuyện kể về kỷ niệm của hai cha con liệt sĩ trước ngày hy sinh, má Huỳnh Thị Lơ vẫn nhớ như in lần gặp cuối khi đi thăm chồng tại căn cứ R trên vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia. Má Lơ kể: “Năm đó là tháng mấy đây nè, tôi có đi thăm ổng. Lên bữa trước, bữa sau về hà. Có ăn với ổng và mấy anh em trong đơn vị được bữa cơm. Lần đó là lần gặp sau cùng, hổng thấy nữa, mất tích luôn. Sau nghe báo tử thì có đi tìm. Lúc ổng hy sinh là ở trên Sư đoàn 9. Anh em báo là mất tích vậy chứ biết ở đâu mà tìm. Có nghe nói hy sinh ở Bến Sỏi, Trảng Lớn. Trận đó là đánh gay lắm, anh em hy sinh không biết bao nhiêu mà kể. Bom địch san bằng, hủy diệt cả một khu, sau đó chúng còn cho xe ủi, lấp hết anh em mình vào núi đồi, cỏ cây. Tôi có lên tới chỗ đó luôn, anh em có đưa lại xem giấy tờ, đồ đạc của ổng thì thấy đúng rồi”.
“Thế còn anh Hùng hy sinh trong hoàn cảnh nào, giờ nằm ở đâu hả má?”, chúng tôi hỏi má. “Hồi trong trận đánh thì nó bị thương, bị vết thương nó hành xác mới chết. Lúc đó vừa giải phóng rồi, tôi mới đem về đồng mả trong ấp này chôn. Nó thì còn xác, chứ ba nó là hổng còn cái gì và cũng hổng biết giờ nằm đâu mà đi tìm. Sau này, trên huyện mấy lần có nói đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ An Nhơn Tây, mà tôi hổng chịu. Tôi càng ngày càng già, thôi để nó ở đây, hàng ngày ra vô thấy nó, chứ xa quá sao mà đi thăm. Nữa tôi chết để tôi nằm gần nó…”, má Lơ tâm sự.
Trên vùng đất Thép Củ Chi này và nhiều vùng quê khác của đất nước, có bao bà mẹ hy sinh chồng, con như má Kịch, má Lơ trong các câu chuyện kể trên. Sự hy sinh to lớn của các mẹ để đất nước được hòa bình, thống nhất, cho thế hệ sau được bình yên, hạnh phúc. Giờ đây, chiến tranh đã qua đi hơn 45 năm, đất nước thanh bình, phát triển, các má đã tuổi xế chiều, sức cùng, lực kiệt nhưng vẫn quặn lòng khi nhắc nhớ về chồng, về những đứa con đi mãi không về!