Vơi bớt những âu lo mùa lễ hội

Với hơn 8.200 lễ hội lớn nhỏ trong cả nước, mùa lễ hội xuân 2023 lại dập dìu trở lại. Chùa Hương, Yên Tử, Hội Gióng… ghi nhận hàng chục ngàn người nô nức trẩy hội những ngày đầu năm.

Trong tâm niệm của người Việt, du xuân đi lễ đầu năm là những nét đẹp vô giá về tinh thần, tâm linh, mang theo nhiều nguyện cầu, mong ước đã được duy trì bao đời. Thế nhưng, dù mùa lễ hội xuân 2023 chỉ mới bắt đầu song đã đem tới nhiều cảm giác âu lo.

Dễ nhận thấy dường như lễ hội ngày càng nhiều, di tích được xây ngày một lớn, niềm tin tâm linh ngày một mạnh mẽ, thì văn hóa lễ hội, hay nói đúng hơn là văn hóa của những người tham gia lễ hội ngày càng tụt dốc… Đành rằng có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nhưng không ít lễ hội dần xa rời hệ giá trị văn hóa vốn có, sa đà vào cúng lễ mà lãng phí thời gian, tiền của, bê trễ công việc…

Theo nhiều chuyên gia văn hóa, lễ hội là một hiện tượng văn hóa vì thế cần phải đặt lễ hội vào trong bối cảnh xã hội cụ thể để ghi nhận hoạt động này theo sự vận động của xã hội. Một số lễ hội với hàm lượng văn hóa lớn đã lan tỏa, vượt qua phạm vi địa phương, mở rộng quy mô thành của cả vùng, cả nước, trở thành tinh hoa của toàn thế giới… Và không ít trong số đó đã phát huy giá trị, trở thành điểm nhấn văn hóa của địa phương, trở thành nguồn lực phát triển du lịch tâm linh, thu hút du khách thập phương mỗi khi xuân về.

Nhưng cùng với đó vẫn xuất hiện nhiều thay đổi theo hướng thương mại hóa phản cảm. Biểu hiện rõ nhất là việc tổ chức hàng quán lộn xộn, biến nơi thực hành nghi lễ linh thiêng thành chốn xô bồ, chen lấn nhếch nhác. Yếu tố vật chất bị đẩy lên thái quá làm thay đổi hành vi của người tổ chức cũng như người tham gia làm tính thiêng giảm đi khiến lễ hội nhuốm màu thương mại. Nhiều người trông chờ lễ hội để “chặt chém” du khách từ tiền gửi xe đến bán buôn đồ vàng mã, cúng thuê, tận thu công đức… Xu hướng trần tục hóa cũng xuất hiện nhiều hơn khiến một số lễ hội không còn giữ được tính thiêng, tính thăng hoa và ngôn ngữ biểu tượng. Có thể thấy biểu hiện rõ nhất là những nghi lễ như “đả cầu, cướp phết”… mang tính tượng trưng thể hiện sự khát khao, nỗ lực nắm bắt lấy cơ hội để có một năm mới nhiều may mắn… trở thành cuộc ganh đua loạn đả, tranh cướp vật phẩm.

Cũng như Hội Gióng - Sóc Sơn, nhiều năm gần đây đã bỏ tục “cướp” trầu cau, hoa tre lấy lộc, xuân năm nay, lễ hội “Đả cầu cướp phết” (xã Bàn Giản, Vĩnh Phúc) đã chuyển từ hình thức “cướp phết” sang “trình diễn phết”, nhằm tránh hiện tượng tranh cướp xô đẩy quá đà gây phản cảm. Hội phết Hiền Quang - Phú Thọ cũng tạm dừng “cướp phết” nên không còn cảnh cả trăm người hung hăng xô đẩy, giẫm đạp tranh cướp hỗn loạn… Nhiều năm qua, lễ đúc Bụt ở Vĩnh Phúc - với những câu chuyện truyền miệng rằng ai “cướp” được manh chiếu lộc sẽ sinh con trai, thường xuất hiện loạn đả. Nhưng năm nay, lần đầu tiên nghi lễ “cướp” chiếu được thay đổi bằng việc “phát lộc” để giảm thiểu sự hỗn loạn dù còn đó những nhóm quá phấn khích lao vào “cướp giựt” vì sợ hết phần… Nhìn những hình ảnh cả biển người mải mướt chen lấn đi lễ, đi hội, hay những khuôn mặt hằm hè giành giật vài sợ chiếu cói cầu may…, không ít người ngán ngẩm vì sự mê muội đó.

Việc tạm dừng, thay đổi các hình thức tổ chức các nghi lễ đang có “biến tướng” tại thời điểm này đúng là đã mang tới cho lễ hội một diện mạo mới có phần văn minh hơn, song đó mới chỉ là giải pháp tình thế mang tính hành chính. Để giải quyết gốc rễ sự việc có lẽ vẫn cần nhiều hơn nữa sự linh hoạt, mềm mại, vận động, giải thích để cộng đồng nhận thức đầy đủ ý nghĩa, sự tôn nghiêm của lễ hội, từ đó dần dần thay đổi hành vi thực hành lễ hội. Cần để người dân hiểu rõ gìn giữ truyền thống không có nghĩa là nệ cổ, phục dựng, giữ nguyên những hành vi, nghi thức từ xa xưa áp đặt vào bối cảnh hiện tại mà cần đặt lễ hội vào dòng vận động của xã hội. Cái tốt cần được kế thừa, phiền phức được sửa đổi và cái xấu thì hủy bỏ, điều chỉnh để lễ hội tốt hơn, mang giá trị đặc sắc, tiêu biểu, cốt lõi của địa phương nhưng vẫn phù hợp với bối cảnh mới. Chỉ có như vậy, mùa lễ hội truyền thống mới có thể vơi bớt những lo âu.

Tin cùng chuyên mục