Vậy mà hôm rồi có dịp đi xem vở cải lương Giấc mộng đêm xuân tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ), tôi và người bạn đi cùng rất bức xúc và khó chịu khi thấy nhiều hình ảnh không đẹp mắt, thiếu ý thức của một số khán giả đến xem hát.
Ngồi hàng ghế phía sau tôi là một chị chừng 50 tuổi, chị thò đôi chân trần gác lên chỗ để tay của ghế phía trước. Ngay cả người đi cùng với chị cũng ngồi gác cả hai chân lên chỗ để tay ghế trước mặt. Lúc khán phòng vừa tắt đèn, mở màn, cả 2 nữ khán giả thấy có mấy ghế hàng trên chưa ai ngồi, đã nhanh chóng tự ý đổi chỗ rồi tiếp tục ngồi gác chân lên ghế phía trước.
Ngồi xem hát được một lúc, khi các nghệ sĩ đang ca diễn, thì chuông điện thoại của chị này reng lên, chị vô tư lấy điện thoại ra nói chuyện, giọng hơi gắt gỏng với đầu dây bên kia. Một số khán giả ngồi gần chị quay qua nhìn bằng ánh mắt khó chịu, nhưng chị cứ mặc kệ.
Cũng tại buổi xem hát này, tôi thấy một số khán giả đi xem hát vô rạp quá trễ. Người đi trễ len vô các hàng ghế gây nhốn nháo cho nhiều người đang chú tâm theo dõi vở diễn. Không chỉ vậy, có người ngồi xem hát trong rạp mà cứ đội mũ lưỡi trai, ngồi quay tới quay lui, che tầm nhìn người ngồi phía sau. Có người lại dẫn theo con nhỏ, hiếu động; mấy bé cứ nhào tới nhào lui, không ngồi yên. Bất bình hơn nữa là nhiều khán giả vô tư dùng điện thoại để thu hình, phát trực tiếp lên mạng vở diễn này.
Đây là một vở cải lương mà khán giả không phải mất tiền mua vé, được Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang diễn miễn phí, để khuyến khích khán giả đến xem, ủng hộ sân khấu, tạo thói quen đến rạp cho công chúng, níu kéo khán giả đến với cải lương nhiều hơn giữa thời buổi sân khấu cải lương ít được quan tâm.
Dù là miễn phí, thế nhưng, đã đến rạp xem hát, đến nơi công cộng, thì mỗi khán giả cần phải tự trang bị một số kiến thức tối thiểu của con người thời đại mới: không hút thuốc, trang phục lịch sự, không đội nón, tắt chuông điện thoại, không cười nói, đi ra đi vô gây ồn ào làm ảnh hưởng đến người khác, không gác chân lên ghế. Đặc biệt, việc thu hình vở diễn để phát tán trên các trang mạng sẽ khiến nhiều người có thể xem vở tuồng cả khi không cần đến rạp hát, làm ảnh hưởng đến mục đích, ý nghĩa, giá trị, mà ban tổ chức các chương trình đang cố gắng thực hiện.
Đáng nói là tất cả những nội dung trên thường được thông báo, nhắc nhở vào thời điểm trước giờ sân khấu mở màn, biểu diễn, vậy nhưng dường như không mấy ai quan tâm. Nhiều chương trình, buổi biểu diễn nghệ thuật vẫn diễn ra những tình huống, hình ảnh kém văn hóa, vô ý thức như kể trên.
Đối với những vị khán giả kém ý thức như thế, đơn vị tổ chức chương trình, các nhân viên rạp hát cần có sự nhắc nhở, can thiệp kịp thời. Không thể để một vài khán giả vô ý thức làm ảnh hưởng đến không khí giải trí, thưởng thức nghệ thuật của số đông công chúng nhiệt thành đã đến với các chương trình, sự kiện, vở diễn...