Gầm cầu thành chợ xép, bãi giữ xe
Theo quan sát của PV Báo SGGP, tại nút đèn tín hiệu giao thông dưới dạ cầu Ông Lãnh (quận 1) vẫn có nhiều người bày biện rau, củ, trái cây bán cho người đi đường, trong khi đây là giao lộ rất đông phương tiện qua lại. Người mua dựng xe gắn máy dưới lòng đường, gây ùn tắc giao thông. Khu vực này trước đây làm bãi giữ xe máy dưới gầm cầu, nay không còn duy trì nữa, nhưng thay vào đó là một kho can nhựa và bàn ghế chất thành đống, toàn là những vật dụng dễ gây cháy…
Ở một khu vực khác, toàn bộ gầm cầu Chữ Y được một đơn vị trưng dụng làm kho chứa vật liệu xây dựng, chất thành đống, thậm chí dựng các chòi nhỏ phục vụ mục đích riêng. Còn tại giao lộ dưới chân cầu Chà Và, nhiều quán nước giải khát ngang nhiên mọc lên, cạnh đó là nhiều đống hàng hóa to đùng chất thành bãi dưới dạ cầu.
Chị Trần Thị Ngọc, một phụ nữ bán quán nước tại đây, phân trần: “Tìm địa điểm buôn bán bây giờ rất khó, rồi còn phải tốn tiền thuê mặt bằng. Bán nước giải khát ở đây không mất tiền thuê mặt bằng mà còn có thể tận dụng làm nơi ngủ nghỉ cho gia đình”… Tại cầu vượt ngã tư Ga (thuộc địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12), khu vực giao cắt trên quốc lộ 1A, nhiều quán nước, tiệm tạp hóa vẫn “bình chân như vại” dưới dạ cầu. Nơi đây vẫn đang tồn tại Bến xe liên tỉnh ngã tư Ga và thường xuyên có lực lượng CSGT đứng chốt, song việc mua bán, đậu đỗ xe máy dưới lòng đường vẫn diễn ra.
Không chỉ chiếm dụng gầm cầu làm nơi buôn bán, tập kết vật liệu, dựng chòi để ở, một số gầm cầu vẫn tồn tại bãi giữ xe to tướng. Điển hình là dưới gầm cầu vượt Phú Mỹ (quận 7, TPHCM) đang tồn tại một bãi giữ xe rộng cả ngàn mét vuông ngay ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Thị Thập thuộc địa phận phường Tân Phú, gây nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu và hành lang an toàn của cầu.
Bãi giữ xe này tồn tại đã lâu với hàng trăm ô tô các loại gửi từ ngày đến đêm, tháng này qua tháng khác. Giá giữ xe tại đây lên đến 2 triệu đồng/tháng đối với xe 35 chỗ, 1,2 triệu đồng/tháng đối với xe 4, 5 chỗ...
Trách nhiệm của UBND quận, huyện
Đề cập về thực trạng trên, Luật sư Đinh Công Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư Đinh Công Hưng (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định tại Điều 52 Luật Giao thông đường bộ 2008, gầm cầu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Việc chiếm dụng khai thác gầm cầu sẽ gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông.
Còn tại khoản 4 Điều 22 Nghị định 11/2010 của Chính phủ cũng quy định, các vật liệu có nguy cơ cháy cao, hóa chất độc hại phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ một khoảng cách bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông vận tải. Do đó, việc gầm cầu bị chiếm dụng sẽ cản trở các phương tiện bảo trì, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn.
Do vậy, Bộ GTVT đã bác đề nghị của các địa phương về việc cho phép tận dụng các gầm cầu để làm bãi giữ xe. Việc tận dụng gầm cầu làm kho để hàng, kinh doanh hàng quán cũng không được phép, vì có nguy cơ gây cháy nổ.
Trong khi đó, theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng, Sở GTVT TPHCM, các hành vi buôn bán, lấn chiếm hoặc xây dựng công trình, lắp đặt các thiết bị khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị buộc tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu và xử lý theo quy định của pháp luật theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ. Việc xử lý, cưỡng chế, ngăn chặn và chấm dứt vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện.
Với thực tế hiện nay, hầu hết các gầm cầu trên địa bàn TPHCM đều bị chiếm dụng sai mục đích, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ xảy ra cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm, tránh xảy ra những điều đáng tiếc.