Tuyển sinh dưới điểm chuẩn; đào tạo không phép
Theo kết luận Thanh tra Bộ GD-ĐT công bố đầu tháng 10 vừa qua, trong năm 2013 và 2014, Trường ĐH Điện Lực tuyển sinh có nhiều sai phạm.
Cụ thể, trong danh sách 222 sinh viên trúng tuyển ngành Điện công nghiệp và dân dụng năm 2013, có 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn (trong đó có 47 sinh viên được ghi chú là dạng đào tạo theo nhu cầu xã hội, 7 sinh viên không có dữ liệu điểm xét tuyển); tiếp nhận sinh viên chuyển trường năm thứ nhất không đúng quy định; tuyển sinh ĐH chính quy năm 2014 đặt lớp tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam - vi phạm Luật Giáo dục ĐH.
Đặc biệt, trường chưa thực hiện đầy đủ thủ tục hủy bỏ phôi văn bằng, chưa thực hiện việc công bố công khai thông tin văn bằng, chứng chỉ của trường trên trang thông tin điện tử của trường theo quy định.
Nghiêm trọng hơn, ở học kỳ 2 năm học 2017-2018, Trường ĐH Điện lực để xảy ra tình trạng sửa điểm bài thi, người không có nhiệm vụ và sinh viên vào phòng chấm thi; có nhiều bài thi được nâng điểm hoặc đánh dấu bài.
Có đến 30 bài thi có dấu hiệu sửa điểm trực tiếp trên bài thi từ điểm thấp lên điểm cao, không ghi điểm kết luận bằng chữ, không ghi điểm chấm chi tiết cho từng câu.
Trong khi đó, tháng 9-2013, Trường ĐH Luật TPHCM có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép trường đào tạo cấp chứng chỉ tiếng Anh trình độ B1, B2. Tuy Bộ GD-ĐT không có văn bản cho phép, nhưng theo kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, từ năm 2014 đến nay, Trường ĐH Luật TPHCM đã liên kết với Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học hệ thống Việt Mỹ (VASS) chiêu sinh, đào tạo, luyện thi, cấp chứng chỉ các trình độ tiếng Anh B1, B2, luyện thi TOEIC, IELTS cho 16.305 học viên (sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của trường), là không đúng quy định. Đặc biệt, trường không cung cấp được hồ sơ in phôi chứng chỉ, bàn giao phôi chứng chỉ không có biên bản.
Lửng lơ trách nhiệm
Với những sai phạm của Trường ĐH Điện lực, Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà trường phải rà soát toàn bộ điểm đầu vào của sinh viên ĐH chính quy năm 2013 và 2014, lập danh sách sinh viên có điểm trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của trường, danh sách sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội của từng địa phương, danh sách sinh viên chuyển trường được trường tiếp nhận không đúng quy định.
Song song đó, trường phải đánh giá tình trạng hiện tại (còn học, đã tốt nghiệp), trường hợp không đúng quy chế thì buộc thôi học, thu hồi văn bằng.
Trong khi đó, đối với số chứng chỉ B1, B2 mà Trường ĐH Luật TPHCM đã cấp cho học viên, Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc do trường cấp là không đúng theo mẫu của Bộ GD-ĐT, không phải là chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Luật TPHCM, cho biết nhà trường đang rà soát, xử lý theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
“Chúng tôi sẽ rút lại tất cả, làm lại theo đúng quy trình và sẽ có đề án. Chúng tôi chỉ công nhận chứng chỉ B1, B2 nội bộ và tương đương với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, chứ không phải là chứng chỉ B1, B2 của Bộ GD-ĐT quy định”, ông Trần Hoàng Hải nói.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thật sự rất khó thu hồi khi đã cấp cho người học vì họ đã đi khắp nơi. Do đó, chỉ có cách công khai thông tin của người học và số seri bằng đã cấp lên website của trường. Tuy nhiên, cần phải xử lý có tình có lý vì người học không có lỗi, mà lỗi chính là nhà trường.
Còn Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng quy định xử lý thì đã có nhưng phải xem xét nhiều góc độ, xem người học vô tình hay cố ý để xử lý.
Phải đảm bảo quyền lợi tối thượng cho người học. Sau khi có phương án xử lý, nhà trường phải có văn bản (quyết định) không công nhận văn bằng, chứng chỉ cụ thể từng trường hợp. Sau đó gửi về địa phương hoặc cơ quan, rồi công bố lên website của trường.
Điều 28 Thông tư 19 quy định văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp sau: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án, hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; cấp cho người không đủ điều kiện; do người không có thẩm quyền cấp; văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa; để cho người khác sử dụng. Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ quy định tại Điều 19 Thông tư 19 có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. |