Vỗ tay là văn hóa ứng xử!

Một người vỗ tay tán thưởng sẽ khác hẳn với cả hội trường, khán phòng, hay một sân vận động cùng hòa nhịp. Và cách khán giả vỗ tay hoàn toàn tự nguyện, hay “xin một tràng pháo tay”, lại càng nói lên nhiều điều.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

1.

Trong chương trình nghệ thuật Phan Huỳnh Điểu - Tình yêu ở lại vừa diễn ra tại Nhà hát Thành phố, mỗi khi các nghệ sĩ cất tiếng hát cả khán phòng lại rộ lên tiếng vỗ tay. Đặc biệt, khi nghệ sĩ Thục An và các ca sĩ ngẫu hứng bắt nhịp ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao, tràng pháo tay của khán giả bên dưới trở thành phần nhạc đệm tuyệt vời trong suốt tiết mục, át cả tiếng nhạc nền.

Tiếng vỗ tay còn kéo dài không ngớt khi những ca từ cuối cùng của ca khúc Những ánh sao đêm khép lại chương trình. Không chỉ các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, gia đình nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, mà mỗi khán giả đều cảm thấy hào hứng hơn từ chính những tràng pháo tay của mình. Đó là sự cộng hưởng cần thiết để tạo nên thành công cho đêm nhạc nói riêng và các sự kiện văn hóa nghệ thuật nói chung.

Z6A.jpg
Khán giả vỗ tay tán thưởng các tiết mục trong chương trình Phan Huỳnh Điểu - Tình yêu ở lại

Trước đó, tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế TPHCM (HIFF 2024), khi tham gia một số sự kiện giao lưu với đạo diễn nổi tiếng Nhật Bản Kore-eda Hirokazu, hay buổi công chiếu toàn cầu bộ phim tài liệu Dearest Viet, những khán giả có mặt cũng được sống trong không khí tuyệt vời cùng những màn vỗ tay rôm rả.

Có một điểm khá thú vị, tại các LHP quốc tế lớn, có một cuộc đua thời gian vỗ tay dành cho các bộ phim sau mỗi buổi công chiếu. Ở LHP Cannes, kỷ lục tràng vỗ tay lâu nhất hiện thuộc về phim Pan’s Labyrinth (Mê cung của Pan - đạo diễn Guillermo Del Toro) tại Cannes 2006, kéo dài đến 22 phút. Tại LHP Cannes 2023, bộ phim Bên trong vỏ kén vàng của Việt Nam cũng nhận được tràng pháo tay dài 5 phút.

Dù không thể đánh giá một cách chính xác những tràng pháo tay là thước đo chất lượng bộ phim, hay chỉ là một nét văn hóa ứng xử, nhưng đó vẫn là một hành động rất đẹp.

Thử hình dung, khi những dòng chữ hiện tên các thành viên ê kíp đoàn phim chạy trên màn hình, ánh sáng phòng chiếu từ từ bật lên, toàn bộ khán giả dưới khán phòng cùng đứng dậy và vỗ tay, có niềm hạnh phúc nào tuyệt vời hơn thế! Đó thực sự là khoảnh khắc đầy mê hoặc và dễ “gây nghiện” với những người làm nghệ thuật.

2.

Vỗ tay là một nét văn hóa ứng xử. Tiếng vỗ tay, dù là một hành động đơn giản, lại mang trong mình nhiều ý nghĩa sâu sắc và đa dạng, tùy thuộc vào ngữ cảnh và văn hóa. Nó có thể là sự tán thưởng hay khen ngợi, sự đồng tình hoặc ủng hộ, sự chào mừng, giải tỏa cảm xúc, động viên, ghi nhận sự nỗ lực...

Thậm chí, nhiều người coi vỗ tay là hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ, giúp truyền đạt thông tin, cảm xúc một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Với các sự kiện văn hóa nghệ thuật như các đêm nhạc, buổi hòa nhạc, chiếu phim, thi đấu thể thao…, những tràng pháo tay là điều không thể thiếu. Trong văn hóa Việt Nam, khán giả dường như vẫn có phần ngại ngùng trong việc đứng dậy, cùng hò reo và vỗ tay tán thưởng. Tuy nhiên, điều ấy còn không đáng lo ngại bằng việc thưa vắng tiếng vỗ tay, hay vỗ tay không đúng lúc đúng chỗ, thiếu đi sự chân thành và tôn trọng.

Trong cuộc sống có nhiều hoạt động mà vỗ tay còn mang tính yêu cầu, mệnh lệnh. Điều này có thể bắt gặp trong các sự kiện sinh hoạt chung ở trường học, học sinh đôi khi được tập vỗ tay trước. Hay tại nhiều sự kiện, kể cả mang tính trang trọng, câu cửa miệng của những người dẫn chương trình luôn là “xin quý vị một tràng pháo tay”, hay “xin cho một tràng pháo tay”. Và vì là “xin”, nên khán giả có thể cho hay không, đôi khi còn là vỗ tay cho có lệ. Sự xin - cho này tại sao vẫn cứ tiếp diễn như một thói quen bất biến?

Vỗ tay cũng như các hình thức khác trong văn hóa giao tiếp, điển hình như việc nói xin lỗi, cảm ơn, theo thời gian nên được hình thành thói quen một cách tự nguyện. Nó giống như khi bạn thưởng thức các chương trình nghệ thuật, thể thao mang đến cho mình cảm xúc, bất giác hành động vỗ tay bộc phát một cách tự nhiên. Trong trường hợp này, khi chỉ có mình bạn không vỗ tay, lúc đó bản thân trở nên lạc lõng giữa đám đông. Vậy nên, hành động vỗ tay này có lý do gì để phải tiết kiệm?

Ngược lại, thử tưởng tượng khi chính bạn có cơ hội đứng trước đám đông và hoàn toàn bặt đi tiếng vỗ tay, hoặc chỉ thưa thớt, lúc đó sẽ càng thấm thía câu chuyện cho - nhận này.

Tin cùng chuyên mục