Dạy võ, dạy làm người
Sáng sớm thứ bảy, khi nhiều người còn say giấc, võ sư Thanh Loan (76 tuổi, Trưởng ban chuyên môn Aikido của Hội Võ thuật người khiếm thị TPHCM, thuộc Sở TDTT TPHCM) đã có mặt tại phòng tập của Trung tâm Văn hóa quận 3 trong võ phục chỉnh tề. Ca dạy đầu của cô Thanh Loan lúc 6 giờ sáng, dành cho huấn luyện viên, có người ở tại TPHCM, có người lặn lội từ Vĩnh Long, Kiên Giang tới, có người sáng mắt, có người nhìn kém hoặc khiếm thị hoàn toàn. Các huấn luyện viên đều chung khát vọng mở rộng lớp võ “Aikido - Thế giới là yêu thương” đến nhiều nơi. Gần 8 giờ, khi các huấn luyện viên luyện tập những động tác cuối thì các võ sinh trẻ em nối nhau vào lớp.
Võ sư Thanh Loan luôn gật đầu và mỉm cười ấm áp mỗi khi học trò khoanh tay, cúi đầu chào cô. Hành động lễ phép ấy, với các em tự kỷ hoặc bệnh down, là thành tựu của quá trình nỗ lực dạy dỗ, rèn luyện của cả cô lẫn trò. Mồ hôi chưa kịp ráo sau ca dạy đầu, võ sư Thanh Loan bắt đầu ca hai. Cô nhẫn nại, dịu dàng và linh hoạt trong phương pháp truyền đạt với từng học trò, từng dạng khuyết tật (khiếm thị, khiếm thính, down, tự kỷ, khuyết tật vận động...). Mỗi em có những khó khăn riêng về thể chất, tâm lý. Sự tận tụy chỉ dạy của cô, sự nỗ lực của trò vượt lên những bất tiện của cơ thể để thực hành từng cú ngã, đòn thế tạo nên hình ảnh thật xúc động. Không chỉ dạy Aikido, võ sư Thanh Loan còn bền bỉ dạy trẻ khuyết tật những điều cô biết, từ múa, hát, vẽ, luyện chữ cho đến bơi lội, cách ứng xử, nói năng…
Cô suy nghĩ giản dị: “Biết cái gì dạy cái nấy, biết bao nhiêu dạy bấy nhiêu”. Cô còn kết nối các giáo viên tình nguyện để chung sức trong việc dạy dỗ trẻ khuyết tật. Trên tất cả, võ sư U80 muốn truyền đến học trò tinh thần sống không bỏ cuộc: “Kỳ tích thường không đến nhanh và chẳng hẹn lúc nào đến. Có những nỗ lực phải tính bằng năm, thậm chí rất nhiều năm. Việc dù khó thế nào, nếu em đủ muốn, đủ khát khao và kiên trì thì sẽ có cơ hội làm được”.
Những lớp học của cô Thanh Loan đã và đang thắp lên niềm vui trong lòng trẻ khuyết tật lẫn những người thân yêu của trẻ. Ông T. rất xúc động khi nói về sự tiến bộ của con gái từ khi đến với lớp cô Thanh Loan: “Con tôi mắc hội chứng down nên học hành khó khăn lắm. Các lớp học đặc biệt của cô Thanh Loan đã giúp con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vui vẻ hơn và nhất là chịu vui chơi cùng các bạn. Là một người cha, tôi không mong gì hơn thế”.
Đủ yêu thương sẽ hóa giải khó khăn
Hành trình 2 thập niên của lớp võ “Aikido - Thế giới là yêu thương” được ghi dấu bằng những lứa học trò khuyết tật bước qua sự mặc cảm, ngại giao tiếp để trở nên vui vẻ, hòa đồng, thậm chí tự tin tranh tài tại các giải thể thao trong nước và quốc tế. Ban đầu, lớp võ chỉ dành cho trẻ khiếm thị, nhằm giúp các em tự vệ, té ngã an toàn. Mục tiêu là vậy, nhưng khi bắt tay thực hiện thì biết bao gian khó ùa đến.
Cả cô Thanh Loan và khoảng 20 học trò vừa háo hức vừa lo lắng. Trò băn khoăn liệu mình học được không, cô ưu tư về cách dạy bởi võ thuật vốn nhấn mạnh sự thị phạm, thực hành... Sự lúng túng của người dạy như bị đẩy đến giới hạn cuối cùng khi một em gái khiếm thị hoàn toàn nắm chặt bàn tay cô Loan và hỏi: “Con không nhìn thấy, làm sao học võ cô ơi?”. Đêm ấy và suốt nhiều đêm sau, cô Thanh Loan mất ngủ bởi câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong đầu. “Tôi thấy mình có 2 lựa chọn: một là bỏ cuộc, quay lại dạy người không khuyết tật; hai là cố gắng tìm cho ra cách dạy võ cho trẻ khiếm thị. Bỏ cuộc thì dễ quá, nhưng sẽ chẳng ai được lợi ích gì. Tôi không muốn làm người bỏ cuộc chút nào…”, cô Thanh Loan nhớ lại.
Rồi cô cần mẫn soạn giáo án đặc biệt, khai thác khả năng tưởng tượng của học trò. Cô vừa mô tả những đòn thế bằng lời, vừa nắm tay các em thực hiện chầm chậm từng động tác. Cô và trò cứ nhẫn nại làm đi làm lại, làm đến khi nào được thì thôi. Lớp võ cho trẻ khiếm thị vừa vào guồng thì cô nhận được một “bài toán” mới. Đó là vào một chiều mưa, có một người mẹ rụt rè dẫn con trai bị hội chứng down đến xin học võ. Khi biết lớp chỉ dành cho trẻ khiếm thị, hai mẹ con đều khóc. Những giọt nước mắt ấy lại khiến cô có thêm nhiều đêm mất ngủ, rồi đi đến quyết định... tự thử thách mình: xin phép mở rộng lớp võ dành cho mọi trẻ em khuyết tật! Thật nhanh chóng, nhiều phụ huynh đưa con tới lớp, cô Thanh Loan suy tư soạn giáo án riêng cho từng dạng khuyết tật, thậm chí giáo án riêng cho từng học trò. Phần thưởng ý nghĩa nhất cho những nỗ lực ấy của cô chính là sự trưởng thành của trò và tình cảm học trò dành cho cô. Bình Thuận là học trò chăm chỉ của lớp võ, rất thích ôm cô Thanh Loan để thể hiện tình cảm.
Thuận nói: “Lúc nào em cũng mong cô khỏe mạnh để dạy dỗ chúng em lâu thật lâu. Em hứa sẽ cố gắng lắng nghe kỹ những lời cô dạy để sửa chữa bản thân tốt hơn. Em thương cô như thương mẹ vậy!”. Suốt hành trình sự nghiệp của mình, cô Thanh Loan may mắn có được sự ủng hộ, đồng hành của cả gia đình. Sinh thời, võ sư Đặng Văn Phát (chồng cô) cùng đứng lớp Aikido với cô, nỗ lực kiếm tiền để duy trì lớp học... Những người con của thầy cô đang nối nghiệp cha mẹ và tiếp lục lan tỏa tình yêu thương với trẻ khuyết tật.
Một trong những niềm vui lớn của cô là thế hệ đang và sẽ tiếp nối hành trình “Aikido - Thế giới là yêu thương”, đó là các huấn luyện viên xuất sắc như Hoàng Nhật Minh, Nguyễn Phước Linh... Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD), nhận định: “Võ sư Thanh Loan đã tiên phong trong việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật và làm thay đổi cách nhìn của cộng đồng: võ thuật không chỉ dành cho người lành lặn. Luyện tập võ thuật và thể thao nói chung, với sự hướng dẫn của chuyên gia, sẽ giúp người khuyết tật bù đắp những chức năng đã mất, tăng khả năng tự vệ, sự tự tin vào năng lực bản thân, tăng sức bền và sức mạnh cần thiết cho sự độc lập, từ đó hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Việt Nam hiện chưa có nhiều chương trình luyện tập võ thuật dành cho người khuyết tật các dạng, vì vậy lớp võ “Aikido - Thế giới là yêu thương” và hành trình dạy võ 20 năm cho trẻ khuyết tật với tất cả tận tụy và yêu thương của cô Thanh Loan thật đáng trân quý”.
Võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan là một người con trong gia tộc Nguyễn Hữu ở Long An. Cô có kinh nghiệm 56 năm dạy Aikido, là một trong số ít người Việt Nam đạt đẳng huyền đai quốc tế Aikikai do tổ sư môn Aikido Morihei Ueshiba (Nhật Bản) chứng nhận năm 1967. Cô được Tổng cục Thể dục thể thao tặng kỷ niệm chương năm 2019 và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2022.