Sáng 23-7, tại Trung tâm Báo chí TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu vở sân khấu Nước ngon vạn dặm - Phần 1: Nợ nước non.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông; TS, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cùng tham dự.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - tác giả kịch bản vở diễn, tên gọi Nợ nước non được lấy từ câu hát của bà Hoàng Thị Loan thường ru các con “Công danh là nợ nước non phải đền”. Vở diễn khắc họa xúc động, sâu sắc về 21 năm đầu tiên trong cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, tác phẩm không nhằm hay đi theo hướng mô tả tiểu sử nhân vật. Điều quan trọng là khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới; các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước và tìm con đường đi đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho nước, cho dân.
Ông nhấn mạnh: “Nếu viết về Bác mà chỉ nói tiểu sử, đó là công việc của các nhà chép sử, nghiên cứu lịch sử. Trong văn học nghệ thuật phải có sáng tác, phần nào giữ tính chân thực và phần nào có tính hư cấu. Đặc biệt, người nghệ sĩ sáng tác phải đi sâu vào nội tâm nhân vật”. Dù chọn lối đi riêng nhưng ông tin vở diễn không biệt lập so với các tác phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từng khắc họa hình tượng Bác Hồ.
Đạo diễn, TS, NSND Triệu Trung Kiên tiết lộ vở diễn sẽ có nhiều cảnh diễn xúc động như: Đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng Năm thơm ngát: cảnh gia đình Nguyễn Sinh Cung ở kinh thành Huế, mẹ Hoàng Thị Loan ra đi khi cha Nguyễn Sinh Sắc và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang đi xa, chỉ còn bé Cung bên mẹ và em Nhuận mới vài tháng tuổi; cảnh cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành chia tay ở Bình Định; cảnh thành phố Sài Gòn, bến cảng Sài Gòn với công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp, cuộc sống cơ cực của người dân; cuộc chia tay nghẹn ngào của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba và cùng những người thân yêu trước chuyến đi xa vạn dặm…
Về mặt nghệ thuật, Nợ nước non tiếp thu và phát triển các yếu tố nghệ thuật sân khấu hiện nay, vừa dân tộc vừa hiện đại. Vở kịch không đi theo tuần tự thời gian của nhân vật chính mà là sự nối tiếp, đan xen giữa thực tại và quá khứ, giữa cảnh thực và hồi tưởng. Các hình tượng nhân vật đặc biệt là hình tượng của Bác Hồ được xây dựng sinh động, giàu xúc cảm.
Đảm nhận hai hình tượng Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành là hai cha con nghệ sĩ Minh Hải. Anh chia sẻ, dù 16 năm làm nghề cải lương, từng tham gia nhiều vai diễn lịch sử nhưng đây là lần đầu tiên anh có vinh dự hóa thân vào vai Bác Hồ. “Vì là lần đầu nên không tránh được cảm giác lo lắng, áp lực. Nhưng nhờ ê-kíp, tác giả kịch bản, đạo diễn, các đồng nghiệp động viên cũng như quá trình nghiên cứu của bản thân tôi đã vượt qua và có những đêm diễn đầu tiên khá hài lòng”- anh cho biết. Được biết, để hóa thân vai diễn này, nghệ sĩ Minh Hải đã phải giảm 6kg.
Riêng với diễn viên nhí Anh Đức, NSND Trung Kiên dành nhiều lời ngợi khen bởi thái độ làm việc chuyên nghiệp. Anh cho biết, ban đầu ê-kíp rất lo lắng trong quá trình tìm người thủ vai diễn này dù số phân đoạn khá ít. Chính nét diễn mộc mạc, phần thoại tự nhiên và cảm xúc của bé Anh Đức đã thuyết phục toàn bộ ê-kíp.
Điểm nhấn trong vở Nợ nước non, bên cạnh hệ thống bài bản cải lương được bảo tồn nguyên vẹn làm chủ đạo, phần nhạc nền cho vở diễn là âm nhạc giao hưởng. Đặc biệt, vở diễn cũng có sự kết hợp nhiều loại hình âm nhạc truyền thống: Ví giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, dân ca Bài Chòi, hò Nam Bộ.
Lý giải về sự kết hợp này, NSND Trung Kiên chia sẻ ban đầu ê-kíp thực hiện không có ý định đưa nhiều yếu tố nghệ thuật vào vở diễn. Tuy nhiên, đó là đòi hỏi của bản thân tác phẩm. “Nợ nước non khắc họa 21 năm đầu tiên trong cuộc đời Bác Hồ. Bác đã trải qua nhiều vùng miền trên chặng đường đi tìm con đường cứu nước. Mỗi vùng miền đều có ký ức về gia đình, đất nước, quê hương. Do đó, chúng tôi muốn đưa âm hưởng của vùng miền đó vào trong tác phẩm. Nó góp phần tạo nên bữa tiệc phong phú và mang đến cảm nhận thú vị cho người xem. Các loại hình âm nhạc truyền thống khi được đặt cạnh nhau vẫn tạo nên sự lấp lánh của mỗi thể loại” - NSND Trung Kiên cho hay.
Ông cũng cho biết, nếu như trước đây ca Huế hay ví giặm từng được đưa vào cải lương thì lần đầu tiên, có sự kết hợp với bài chòi nhưng vẫn tạo ra sự đồng nhất. NSND Trung Kiên cũng tin tác phẩm sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ và chiếm được tình cảm của công chúng.
Sau hai đêm diễn đầu tiên tại Hà Nội vào cuối tháng 5, vở diễn nhận được nhiều phản hồi tích cực của công chúng. NSND Trung Kiên chia sẻ, sau đêm diễn đầu tiên ê-kíp đã có một số điều chỉnh, cân nhắc kỹ lưỡng từng câu chữ trong kịch bản cho đến lời thoại sân khấu, lớp diễn, nhân vật. Nội dung, cách dàn dựng vở diễn tại TPHCM giữ nguyên mẫu như tại Hà Nội. PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ tin khi công diễn tại TPHCM, các nghệ sĩ sẽ có những cảm xúc khác bởi đây là mảnh đất nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Sau TPHCM, vở diễn sẽ được đi lưu diễn tại một số tỉnh thành: Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Bình Định…
Nợ nước non dựa trên kịch bản của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ. NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng, tác giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương và NSND, nhạc sĩ Trọng Đài đảm nhận phần âm nhạc. Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sỹ của nhà hát Cải lương Việt Nam như: NSUT Mạnh Hùng, Minh Hải, Như Quỳnh, Xuân Thông, Văn Dương, Thiên Kiều, Lệ Hằng, Minh Phương, bé Anh Đức… phối hợp cùng nghệ sỹ Lê Thanh Phong và các diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ biểu diễn. |