Hình ảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực được xây dựng chân phương, sống động. Câu chuyện kể bắt đầu từ thuở nhỏ, Nguyễn Trung Trực đã phải chạy giặc, trốn hầm cùng mẹ mỗi khi gót giặc giày xéo quê hương. Lớn hơn, trước áp bức xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực quyết tâm cùng những người trai trẻ yêu quê hương bàn tính kế hoạch chống Pháp. Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy nghĩa quân đốt cháy tàu L’Espérance trên sông Nhựt Tảo...
Giặc Pháp liên tục giết hại người dân vô tội để ép Nguyễn Trung Trực ra hàng. Thương dân lành chịu cảnh đau đớn tang thương, Nguyễn Trung Trực đã quyết định nộp mình cho giặc vào ngày 19-9-1868. Tại pháp trường Rạch Giá, trước khi hy sinh, ông khẳng khái: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Đó cũng là câu nói đi vào lịch sử của người anh hùng dân tộc trung kiên bất khuất.
Câu chuyện để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Ở loại hình múa rối nước, với sự sáng tạo tươi mới, vở diễn đã cuốn hút khán giả dõi theo từ đầu đến cuối, qua những bài đồng dao, trò chơi trẻ thơ rồng rắn lên mây, câu hò trên sông nước miền Tây, hình ảnh người dân thả lưới đánh bắt cá, màn diễn hát bội lung linh… Đặc biệt, đạo diễn khéo léo sắp xếp trình diễn kết hợp giữa múa rối nước, các trò rối cổ với múa rối bóng, rối que, sử dụng lửa, nước để diễn tả các tình huống kịch tính của câu chuyện kể lịch sử.
Trước đây, con rối được nhà hát đặt hàng ở các xưởng chế tác và nghệ nhân chuyên làm con rối phía Bắc thực hiện. Tuy nhiên, chi phí này khá lớn nên lần này, nhà hát quyết định tự mày mò chế tác, phát huy tính sáng tạo. Êkíp tạo hình con rối sử dụng khuôn đất sét để nặn thành hình nhân vật, sau đó quét composite lên, dùng nhựa để tạo con rối thay thế cho gỗ (vật liệu làm con rối truyền thống). Cách làm con rối này có chi phí thấp, thời gian thực hiện ngắn, chất liệu nhẹ và có độ bền cao.
Đã lâu TPHCM mới dựng một vở múa rối lịch sử ứng dụng khéo léo một số trò cổ trong trình diễn để phù hợp và hài hòa cùng các loại hình múa rối khác. Không chỉ vậy, bình thường diễn viên múa rối nước hay giấu mình sau bức mành, ngâm thân mình dưới nước nhiều giờ để diễn các trò rối, nhưng trong vở này, sự xuất hiện của các diễn viên múa rối nước trong vài màn diễn, kết hợp diễn cùng các con rối góp phần tạo nên sự khác lạ cho vở.
Với những phá cách và sáng tạo mới lạ, vở diễn Anh hùng Nguyễn Trung Trực tạo được dấu ấn vì sự tươi mới và độc đáo, là chương trình nghệ thuật thú vị dành cho cả trẻ em và người lớn.