Ngày 10-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ và 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP Đà Nẵng tiếp tục tranh tụng.
Trình bày trước tòa, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ bị cáo Phan Văn Anh Vũ) ngậm ngùi: “Tôi ước gì phiên tòa này không hề diễn ra”. Nói về các tài sản đứng tên vợ chồng đang bị cơ quan điều tra kê biên, bà Hiền cho biết tất cả những tài sản trên đều có sự đóng góp công sức và hy sinh của vợ chồng bà. “Tôi đề nghị HĐXX xem xét và cân nhắc đến những tài sản kê biên, đến quyền lợi của cá nhân tôi...” - bà Hiền trình bày và cho biết, đối với nhà đất ở số 22 Cô Giang (ở phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) diện tích 1.111,2m² là tài sản của cá nhân bà được mua năm 2007 bằng tiền tích cóp cá nhân và một phần là tiền vay.
Trong khi cáo trạng truy tố nêu rõ, đối với nhà đất số 22 Cô Giang, tháng 9-2006, sau khi biết được chủ trương tổ chức kiểm định, xác định giá trị nhà, đất tại số 22 Cô Giang để bán đấu giá theo diện công sản của UBND TP Đà Nẵng, với mục đích mua lại nhà, đất công sản này, Phan Văn Anh Vũ đã làm đơn xin mua. Khi ấy, Phan Văn Anh Vũ lấy tên vợ để ký kết giao dịch nhưng thực tế bà Hiền không tham gia việc mua nhà, đất công sản nêu trên và các chữ ký, chữ viết tên Nguyễn Thị Thu Hiền do Vũ thực hiện.
Cáo trạng cũng cáo buộc, hành vi của các bị cáo: Phan Văn Anh Vũ, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và một số bị cáo khác trong việc bán nhà, đất công sản số 22 Cô Giang là làm trái các quy pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 80 tỷ đồng.
Ngoài nhà, đất số 22 Cô Giang, bà Hiền đề cập tới một số tài sản khác mà cơ quan tố tụng đã kê biên có liên quan đến quyền lợi của bản thân như: nhà số 17 Lê Duẩn; nhà số 90, nhà số 92, nhà số 76 Trần Quốc Toản và nhiều lô đất khác ở Đà Nẵng, nhưng bà Hiền không biết nguồn gốc các tài sản này từ đâu. Trong quá trình giải quyết vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kê biên 42 tài sản và bất động sản để đảm bảo thi hành án, trong đó có 10 tài sản, bất động sản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ. Hội đồng định giá tài sản xác định tổng trị giá của 42 tài sản, bất động sản trên hơn 3.519 tỷ đồng.
Trước đó, bào chữa cho 2 bị cáo là cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Văn Hữu Chiến và Trần Văn Minh, một số luật sư cho rằng, cần xem xét đánh giá lại mức độ thiệt hại của vụ án, từ đó mới xác định có hay không có hành vi phạm tội. Qua ý kiến bào chữa bảo vệ cho thân chủ của mình, luật sư đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách tính thiệt hại trong vụ án và cho rằng Hội đồng định giá tài sản có sự nhầm lẫn, dẫn đến phương pháp tính sai và đề nghị HĐXX không đưa ra mức án nào, đồng thời trả hồ sơ để xác định lại thiệt hại.
Cuối giờ chiều 10-1, trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo đã được tòa cho phép nói lời sau cùng. Trong lời nói sau cùng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã xin HĐXX tha tội cho các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của TP Đà Nẵng. “Tôi cầu mong HĐXX hãy xem xét, hãy tha cho 14 vị lãnh đạo của TP Đà Nẵng. Thực sự, 14 vị lãnh đạo không hoàn toàn có sai phạm. 14 vị lãnh đạo cũng vì sự phát triển của thành phố, không hề câu kết, móc ngoặc với tôi để gây ra thất thoát 22.000 tỷ đồng. Đó là sự thật mà người dân Đà Nẵng đều biết...”- Phan Văn Anh Vũ trình bày.
Trong khi đó, 2 bị cáo là cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong lời nói sau cùng trước tòa cũng bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét lại bản chất của vụ án, động cơ phạm tội, cũng như những công lao đóng góp của cá nhân cho TP Đà Nẵng để bản án hợp tình, hợp lý. Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX bắt đầu nghị án và tòa sẽ tuyên án vào chiều 13-1.