Vở nhạc kịch có sự tham gia thực hiện của biên kịch Trà Nguyễn, chỉ huy Askan Geisler, đạo diễn Anna Weber, thiết kế sân khấu Lina Oanh Nguyễn, thiết kế phục trang Tom Trandt, cùng các nghệ sĩ Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác, Duyên Nguyệt, Nguyễn Thu Hường, Phạm Trang, Phan Hữu Trung Kiệt, Trần Thanh Nam, dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng HBSO.
Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM Lê Ha My chia sẻ về công tác tổ chức biểu diễn Vở nhạc kịch Quả phụ vui tính. Ảnh: THÚY BÌNH |
Vở Quả phụ vui tính được công diễn lần đầu vào năm 1905 tại Áo và đã diễn gần 500 suất ở châu Âu. Hai năm sau khi ra mắt, vở xuất hiện ở Broadway với hơn 400 suất diễn liên tục. Câu chuyện tình yêu lắt léo và hài hước này đã được dựng thành ballet và chuyển thể thành phim nhiều lần. Không chỉ vậy, cả bản thu âm lẫn tổng phổ của vở diễn đều được bán với doanh thu kỷ lục, lên đến hàng chục triệu USD.
Tác phẩm nhạc kịch Quả phụ vui tính được thực hiện và công diễn tại TPHCM thông qua dự án nghệ thuật được HBSO cùng nhóm nghệ thuật Đức - Việt ấp ủ thực hiện từ năm 2020, với khát vọng sáng tạo và ứng dụng những thử nghiệm sân khấu mới, đem màu sắc tươi vui hài hước của bản gốc vào câu chuyện mới, vui nhộn và mang hơi thở nhịp sống hôm nay.
Câu chuyện gốc bắt đầu với Hanna Glawari, một quả phụ được thừa hưởng một gia tài lớn và được nhiều người theo đuổi. Cô đã cố gắng tìm lại tình xưa Danilo Danilovitsch. Song song đó, một chuyện tình tay ba khác cũng xen vào, khiến câu chuyện trở nên rối rắm và tạo ra muôn vàn tình huống kịch tính, hiểu nhầm, hài hước...
Nhóm nghệ thuật quyết định dời câu chuyện hơn 100 tuổi vào một nhà hát tưởng tượng. Câu chuyện mới bắt đầu khi Hanna Glawari, một quả phụ giàu có đến thăm nhà hát.
Giám đốc nhà hát là Zeta đã dựng nên một màn chào đón hoành tráng và hy vọng đạo diễn đẹp trai của nhà hát là Danilo Danilowitsch có thể cưa đổ Hanna, để sau đó cô sẽ tài trợ cho vở diễn lớn Maxim và tài trợ thêm cho các hoạt động của nhà hát. Tuy nhiên, ông không hề biết Danilo và Hanna từng có một mối tình cay đắng. Khi Hanna đến nhà hát, toàn bộ cánh đàn ông của nhà hát cũng cảm thấy có cơ hội với cô và từ đây sự săn đón của họ khiến mọi chuyện trở nên rối rắm…
Các nghệ sĩ, nhạc sĩ tham gia Vở nhạc kịch Quả phụ vui tính biểu diễn tại buổi công bố thông tin. Ảnh: THÚY BÌNH |
Những gút mắc của câu chuyện khiến vở nhạc kịch tràn đầy kịch tính, sôi động, có nhiều tình huống kịch bất ngờ, hài hước. Xen kẽ cùng với những tiếng cười về tình người, tình đời thi vị, còn có những nốt lặng về cảm xúc, về tình yêu với những toan tính tiền bạc, quyền lợi cá nhân của các nhân vật trong câu chuyện.
Đạo diễn Anna Weber đã thực hiện nhiều dự án sân khấu, trong đó có các vở nhạc kịch, diễn quanh nước Đức. Cô cho rằng hình thức operetta với không khí vui nhộn và khả năng lồng ghép phê bình xã hội vào sự hài hước rất phù hợp để truyền tải câu chuyện về vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Chỉ huy dàn nhạc Askan Geisler là người thực hiện nhiều dự án tương tự với HBSO trong những năm qua. Anh đã tham gia lên ý tưởng từ đầu và cùng cả nhóm thay đổi, hoàn chỉnh tác phẩm trong suốt thời gian tập luyện.
Nhà thiết kế sân khấu Lina Oanh Nguyễn là nghệ sĩ và nhà thiết kế gốc Việt, lớn lên ở Đức. Với gần 15 năm kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp tại châu Âu, cô đem vào tác phẩm không khí sôi nổi của đường phố và các khu chợ tiêu biểu của TPHCM, với logic riêng đáng yêu.
Thiết kế phục trang Tom Trandt hiện là nhà thiết kế thời trang được nhiều bạn trẻ biết đến với phong cách “phi giới tính, đa dạng, sáng tạo và táo bạo”. Dù đã thực hiện rất nhiều dự án hợp tác thời trang nhưng đây là lần đầu tiên anh phụ trách phục trang cho một vở nhạc kịch.
Biên kịch Trà Nguyễn là Thạc sĩ nghệ thuật về biên kịch, cô chuyên tâm với công việc dựng kịch thể nghiệm. Đối với Trà Nguyễn, dự án này là cơ hội tuyệt vời để một hình thức sân khấu chính thống như operetta đến với các bạn trẻ năng động và tò mò về sân khấu. Cô mong sẽ có nhiều bạn trẻ rèn kỹ năng chuyên biệt như thiết kế, biên kịch hay dàn dựng để thị trường sân khấu thành phố sôi động hơn.