Câu chuyện làng quê thanh bình
Dưới ngón đàn điêu luyện của các nhạc công, ngôn ngữ hình thể từ những điệu múa ballet kết hợp phong cách tân cổ điển (neo-classic) và múa đương đại, câu chuyện của Sương Sớm mộc mạc, chân thành như một món quà. Sương Sớm trở lại trong một không gian mới, với cách thức mới, vừa mang lại cảm giác thú vị, vừa mang đầy sự thử thách.
Nội dung vở múa là câu chuyện kể thú vị về những hoạt động đời thường của người nông dân vào mỗi buổi sáng sớm, họ cùng kéo nhau ra đồng, gieo hạt, cấy lúa, xay gạo, kéo sợi, quay tơ, chuẩn bị cho phiên chợ sớm… Không gian tinh mơ ấy luôn mang thoang thoảng mùi rơm rạ ngoài đồng, mùi ban mai, quấn quýt với làn hơi gió nhẹ mang theo những làn điệu phương Nam dân dã; có câu hò điệu lý chân chất ngọt lành, tiếng í ới gọi nhau cùng tiếng cười giòn tan chất phác... Tất cả quyện vào nhau thành một bức tranh làng quê buổi sớm mai an lành.
Bằng ngôn ngữ hình thể của nghệ thuật múa mang nhiều sắc thái, lúc uyển chuyển, mềm mại, dịu dàng, lúc mạnh mẽ, năng động, dứt khoát, Sương Sớm thể hiện đa dạng các cung bậc cảm xúc của con người trong đời sống xã hội thường nhật. Tất cả cùng hợp chung với khung cảnh sáng sớm mờ ảo sương khói, được xử lý khéo léo trên sân khấu, tạo nên bao cảm xúc, gợi nhớ ấm áp về quê hương.
Đặc biệt, sự sắp đặt các ụ rơm thể hiện thông điệp ý nghĩa: tôn vinh tình cảm gia đình, là tình cảm đơn giản và chân chất của mỗi gia đình nông dân Việt Nam. Ụ rơm như một “nhân chứng” bên cạnh ngôi nhà, kể từ ngày ông bà còn trẻ, quen nhau, cưới nhau rồi sinh con. Những đứa trẻ ra đời và trải qua thời thơ ấu chơi đùa, tinh nghịch dưới những ụ rơm.
Theo thời gian, những đứa trẻ lớn lên, ông bà lại ngồi dưới ụ rơm tính chuyện dựng vợ gả chồng cho chúng. Cứ thế, từng người con lớn lên rồi rời đi, từ thế hệ này sang thế hệ khác, ụ rơm vẫn vững vàng ở đấy như là chứng nhân của tình thân. Ụ rơm có lúc vơi lúc đầy, cũng như tình cảm có lúc sâu lắng, có lúc chao đảo vì thời cuộc...
Sự trở lại đặc biệt
Arabesque tự nhận cuộc tái diễn vở Sương Sớm lần này chính là thử thách, thay vì gọi là khó khăn. Ê kíp trẻ đam mê nghệ thuật múa muốn dốc hết sức, bằng tất cả sự nỗ lực có được để tiếp tục chinh phục và vượt bao gian khó của nghề múa. Không gian biểu diễn không phải là một nhà hát lớn hay một rạp hát đầy đủ tiện nghi.
Điểm diễn hiện nay là Arabesque Vietnam Studio, nơi các diễn viên múa tập luyện, làm việc hàng ngày. Không gian điểm diễn này được thiết kế với sức chứa 200 người, cách thiết kế sàn diễn đơn giản, mộc mạc nhưng không kém phần ấm cúng, gần gũi, giúp chương trình tạo được sức thu hút mới, chú trọng đề cao tính tương tác cùng khán giả.
Trần Thành Tâm (32 tuổi, khán giả đến từ quận 6) chia sẻ: “Không gian nhỏ, ấm cúng như thế này thật phù hợp với Sương Sớm. Khán giả chúng tôi cũng cảm thấy gần gũi hơn với sân khấu, với diễn viên, với đạo cụ rất đời và với hồn quê mộc mạc mà vở diễn đem lại”.
Trong 2 tháng qua, các nghệ sĩ, diễn viên múa của Arabesque đã luyện tập Sương Sớm thường nhật để nhuần nhuyễn, thể hiện thật đẹp và đong đầy những cảm xúc chân phương của con người miền quê Nam bộ. Không dừng lại ở việc khổ luyện về mặt kỹ thuật, vở diễn còn có sự bền bỉ trong việc tìm tòi và thực hành với nhiều chất liệu khác nhau.
Điều đáng quý và trân trọng chính là sự chung sức làm nên Sương Sớm của các nghệ sĩ múa tài năng: NSƯT Tố Như, NS Bảo Trung, Văn Thịnh, Đoàn Vũ Minh Thư, Vũ Minh Thư… và các diễn viên trẻ Arabesque. Tất cả cùng làm việc hết mình, thể hiện ngôn ngữ múa độc đáo qua Sương Sớm - một vở múa đã tạo dấu ấn rất đặc biệt trên thị trường tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại TPHCM từ nhiều năm qua.
Đến xem Sương Sớm, khán giả còn có được những khoảnh khắc thú vị khi có cơ hội tìm hiểu về cách thức và kỹ thuật vẽ của các họa sĩ trên lụa tơ tằm (được dệt thủ công từ làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông). Với ý tưởng “Họa trong sương sớm”, những tác phẩm vẽ được các họa sĩ sáng tạo tại chỗ, trưng bày ngay phía trước khán phòng biểu diễn nghệ thuật để khán giả cùng thưởng lãm.