Vở múa rối nước “Huyền sử Yết Kiêu” phục vụ Tết Nguyên đán 2025

Tối 24-12, tại Sân khấu Múa rối nước bên trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TPHCM, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam sáng đèn suất diễn đặc biệt vở múa rối nước Huyền sử Yết Kiêu (chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Lê Ích Diễn, tác giả kịch bản: Thanh Hiệp, đạo diễn: Trần Được, âm nhạc: NSƯT Nguyễn Quang Hưng, thiết kế và tạo hình rối: họa sĩ Hoàng Duy Đông - Văn Triển).

Yết Kiêu cùng các tướng nhà Trần bàn mưu đánh giặc trên sông. Ảnh: THÚY BÌNH
Yết Kiêu cùng các tướng nhà Trần bàn mưu đánh giặc trên sông. Ảnh: THÚY BÌNH

Vở múa rối nước có sự tham gia biểu diễn của các diễn viên Thành Đoàn, Văn Lai, Văn Luân, Thanh Phương, Phú Cường, Thanh Bình, Trung Hiếu, Hoài Nam, Lê Trang, Chí Cường…

Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, quê ở làng Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, là 1 trong 5 vị tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, có công giúp nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông vào thế kỷ 13.

DSC09796.JPG
Múa rồng. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC09858.JPG
Đua thuyền. Ảnh: THÚY BÌNH

Câu chuyện Huyền sử Yết Kiêu mở màn với cảnh lễ hội tưng bừng nhộn nhịp ở làng Hạ Bì. Ngày hội đông vui với nhiều hoạt động lễ hội truyền thống: múa rồng, múa lân, đánh trống hội, đua thuyền, thi bơi lặn bắt cá…

Trong ngày hội, chàng trai Phạm Hữu Thế khôi ngô, tuấn tú, mạnh mẽ, giỏi giang, đã nhanh chóng chiến thắng trong trận thi bơi lặn bắt cá, nhận được sự cảm phục của người dân trong và ngoài làng. Để đóng góp tài sức cho đời, Phạm Hữu Thế nhận lời dạy bơi lặn cho nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ.

DSC09821.JPG
Ngày hội làng nhộn nhịp với màn diễn trống hội. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC09903.JPG
Yết Kiêu cùng bà con dân làng Hạ Bì. Ảnh: THÚY BÌNH

Tiếng lành đồn xa, triều đình nhà Trần đã phái quân lính tìm đến để chiêu mộ người tài Phạm Hữu Thế cùng tham gia đánh giặc, bảo vệ đất nước.

Trước tình hình giặc đổ quân xâm chiếm đất nước ta ồ ạt, cả đường bộ và đường thủy, Phạm Hữu Thế - Yết Kiêu đã hiến kế với vua Trần Nhân Tông và tướng Trần Hưng Đạo, mong muốn tự mình nhận nhiệm vụ đục phá các tàu thuyền của quân Nguyên, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho quân ta tấn công giặc.

Yết Kiêu đã sử dụng tài bơi lặn xuất sắc của mình để tiếp cận và đục thuyền chiến của địch. Lập được nhiều công lao lớn, Phạm Hữu Thế được vua ban danh hiệu “Triều Trần hữu tướng Đệ nhất Bộ Đô soái thủy quân, tước Hầu”. Ông được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa).

DSC09968.JPG
Yết Kiêu đầu quân triều đình nhà Trần, đóng góp tài năng đánh đuổi quân Nguyên. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC00126.JPG
Tướng tài Yết Kiêu hiên ngang đối đầu với tướng giặc. Ảnh: THÚY BÌNH

Vở múa rối nước Huyền sử Yết Kiêu sẽ sáng đèn phục vụ khán giả 17 suất, từ mùng 1 tết đến mùng 9 Tết Nguyên đán năm Ất Tỵ 2025 tại Sân khấu Múa rối nước Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

Tin cùng chuyên mục