Nồng nàn câu chuyện tình yêu
Mượn bối cảnh quán cà phê đậm chất Sài Gòn để nói về tình yêu, vở múa đương đại dường như đem tất cả hơi thở của cuộc sống, những thăng trầm của dòng chảy cuộc đời vào tác phẩm. Tiết tấu nhanh, dồn dập xen kẽ với những giai điệu nhẹ nhàng, câu chuyện về tình yêu lứa đôi đã tạo nhiều cảm xúc, lôi cuốn người xem.
Cafe Sài Gòn khởi đầu với những mối quan hệ mới của những đôi nam nữ vừa yêu nhau. Những mối tình vừa chớm thật nhẹ nhàng, nồng nàn. Sau cảm xúc ban đầu, những cuộc tình sau đó đã vội khoác lên mình sự thay đổi. Cao trào xung đột, tranh luận căng thẳng… khiến các cặp đôi đang yêu đương cuồng nhiệt phút chốc chia rời. Cảm giác đang gần nhau mà lại quá xa cách, những thật - giả về tình yêu cứ thế lẫn lộn, chồng chất, day dứt giữa một xã hội hiện đại. Khi những người trẻ đối mặt với những rạn vỡ tình ái, họ đã không thoát khỏi sự đau đớn, nhưng không vì thế mà họ lại buông xuôi. Nén chặt nỗi đau, họ mạnh mẽ đi tới để tìm kiếm một nửa hạnh phúc của mình. Giữa bộn bè cuộc sống, chỉ có những tình yêu chân thật mới có thể gắn kết được những tâm hồn đồng điệu, giúp những đôi tình nhân vượt qua thử thách.
Biên đạo múa tài năng của HBSO Nguyễn Phúc Hùng chia sẻ: “Năm ngoái, sau khi Joost Vrouenraets hợp tác với HBSO, chúng tôi đã cùng ngồi lại bàn công việc tiếp theo ở một quán cà phê. Anh đã chia sẻ cảm xúc rất lạ về cà phê Sài Gòn. Quán cà phê nơi đây gợi cho anh ấy một cảm giác hoài cổ và anh nghĩ, có lẽ là do không gian, văn hóa và con người Việt Nam tạo nên. Luôn có những người trẻ, người già và rất nhiều cặp đôi yêu nhau chọn quán cà phê làm nơi bàn bạc công việc, thư giãn, hẹn hò… Từ ý tưởng ban đầu ấy, chúng tôi phác thảo nên một câu chuyện múa về tình yêu lứa đôi, đậm chất đời sống. Đặc biệt hơn, Joost Vrouenraets rất thích Việt Nam, dù anh ấy đã đến nhiều nước châu Á, nhưng Việt Nam luôn tạo cho anh ấy sự yêu mến rất khác biệt”.
Mồ hôi và máu
NSƯT Nguyệt Nga chia sẻ: “Vở múa đương đại chuyển tải ý tưởng và có sự dàn dựng mới lạ, nội dung câu chuyện rõ ràng giúp khán giả dễ hiểu và cảm xúc được tác phẩm. Tôi rất thích vở múa và tôi nghĩ khán giả trẻ cũng sẽ thích”.
Suốt vở múa, có vài cảnh diễn đẹp, lạ và cũng khá nguy hiểm. Nhất là cảnh diễn viên nữ đứng trên các bàn cao thả mình buông rơi tự do, đổ người về nhiều hướng, diễn viên nam chạy vòng quanh và hứng đỡ. Có những lúc tập đến cuối buổi, diễn viên nữ mệt, không thể kiểm soát động tác, cứ buông người thả xuống, bạn diễn nam có lúc cũng quên bài, chụp đỡ không kịp, nên không ít diễn viên bị chấn thương. Chưa kể những màn nhào lộn, những pha quăng quật, bung người, đập mình trên sàn diễn… khiến hầu hết diễn viên bầm mình, thương tích. Bên cạnh đó, 9 diễn viên đều tham gia khuân vác, di chuyển bàn ghế để kết nối những màn trình diễn liên tục - hình ảnh ấy cho người xem một cảm giác cứ như họ đang cố gắng gồng gánh, chịu đựng sự dồn ép sức nặng của đời sống tinh thần, của cuộc sống xã hội.
Sau hơn 20 ngày làm việc, tập luyện cật lực, mỗi ngày 9 diễn viên múa quần quật hơn 9 giờ trên sàn tập. Vở diễn gần như vắt kiệt sức diễn viên. Thế nhưng, cả ê kíp đã bằng tình yêu nghề, cùng nỗ lực hết sức để có thể hoàn thiện và trình diễn một tác phẩm múa đương đại ấn tượng, sáng tạo.
Trên hết, sự thành công của vở múa kéo dài 1 giờ 20 phút này chính là sự hợp tác ăn ý, cách làm việc nghiêm túc và hết mình của cả ê kíp. Sự gần gũi thân thiện từ trên sàn diễn đến cuộc sống đời thường, tinh thần cầu thị, chịu khó tiếp nhận thông tin trong giao tiếp, trao đổi chuyên môn đã giúp hai biên đạo người nước ngoài nhanh chóng bắt kịp tinh thần, sức sáng tạo và năng lực của dàn diễn viên múa chuyên nghiệp HBSO. Góp phần cho sự thành công của vở múa còn là cách chọn và sử dụng các ca khúc của Pháp, Mỹ, Việt Nam… mang tính sáng tạo, hài hòa.
Diễn viên múa Sùng A Lùng bộc bạch: “Tôi làm việc với biên đạo múa người nước ngoài khá nhiều, đây là hai biên đạo mới, có phong cách rất riêng biệt so với những biên đạo trước đây. Xuyên suốt vở diễn đem lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Đến cuối vở múa, những cảm xúc trong tôi đã vỡ òa theo lời bài hát “Liệu cuộc sống có đẹp đến như thế hay không?”.
Trong vở múa, tôi cũng có viết một đoạn hát tiếng Mông theo yêu cầu của biên đạo, giới thiệu về cảnh đẹp quê hương, trong đó có nhà trên núi, rừng tre, chim hót, mùa gió về… Khi hợp tác với bạn múa, chúng tôi cũng cố gắng truyền đạt thông điệp qua ánh mắt để có thể ăn ý trong biểu diễn. Chúng tôi chỉ mong muốn đem đến cho khán giả những giờ phút thưởng thức nghệ thuật chất lượng nhất”.
Vở múa đương đại Cafe Sài Gòn sẽ tiếp tục phục vụ khán giả suất diễn vào tối 9-7 tại Nhà hát Thành phố.