Ôm nợ
Những ngày tháng 9 này, anh Nguyễn Văn Th. (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phải tháo từng thanh sắt từ giàn lan ra để bán phế liệu. Trong vườn, hàng trăm giò hoa lan chỏng chơ, xơ xác vì không người chăm sóc.
Vẻ mặt buồn, anh Th. cho biết, năm 2019 anh được người bạn bán rẻ một kie lan 5 cánh trắng Phú Thọ với giá gần 1 triệu đồng. Chỉ sau 9 tháng chăm sóc, anh đã nhân giống được hơn 10 kie con và bán được gần 50 triệu đồng.
Tiếp đó, anh mua thêm 1 kie lan 5 cánh trắng Hiển Oanh với giá 30 triệu đồng; sau 3 tháng chăm sóc, bán được 80 triệu đồng. Thấy việc nhân giống và kiếm tiền từ lan var quá dễ nên năm 2020, anh cầm cố sổ đỏ, gom góp hết tài sản vay hơn 3 tỷ đồng đầu tư thêm vào những dòng lan đắt tiền hơn như: Bạch Tuyết, Hồng Yên Thủy, Hồng Minh Châu... Hơn 2 năm đầu tư chăm sóc, chưa thu hồi được đồng vốn nào thì giờ đây phải nuốt nước mắt từ bỏ cuộc chơi vì biết chắc lan var không còn giá trị.
Dẫn chúng tôi đi xem vườn, anh Th. chỉ từng giò lan được anh đầu tư từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng nhưng giờ dù đã hạ giá xuống thấp đến mức 200 lần so với lúc mua, cũng không bán được. Anh Th. chua chát: Thời lan “sốt”, giá lên đỉnh điểm, tôi mua 1 kie 5 cánh trắng Bạch Tuyết đến 700 triệu đồng, kie Hồng Minh Châu với giá 600 triệu đồng, nhưng giờ bán có vài triệu đồng cũng chẳng ai mua. Bỏ ra tiền tỷ đầu tư nhưng giờ chỉ ôm cây lan không giá trị, xót đứt ruột.
Không riêng anh Th., các vườn lan var lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đều “dở khóc, dở cười” vì không bán được cây. Không ít nhà vườn cho biết, đang nợ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng vì đầu tư lan var. Không ít người phải đóng cửa, bán vườn bỏ đi nơi khác vì nợ nần chồng chất.
Anh Phạm Văn H. (chủ vườn lan var ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) thừa nhận, cuối năm 2020, lan var được đẩy giá tới mức quá sức ảo. Và chỉ sau vài tháng khi dịch Covid-19 xảy ra, “bong bóng” lan var đã nổ. “Người chơi chúng tôi tự động viên nhau rằng hết dịch, giá lan var sẽ bình ổn lại. Thế nhưng, càng để lâu giá lan lại càng hạ và hiện tại là lan var không còn ai quan tâm nữa. Ở huyện tôi, đa phần các nhà vườn lan var đều ôm nợ. Nhà vườn nhỏ nợ ít, nhà vườn đầu tư nhiều nợ càng nhiều. Lan var giờ đã hết thời”, anh H. ngậm ngùi chia sẻ.
Cơn sốt ảo
Hơn 3 năm trước, từ khóa “lan var” xuất hiện khắp các trang mạng xã hội, diễn đàn trong giới chơi hoa lan. Trong đó, dòng hoa lan giả hạc đột biến được nhiều người biết đến như một món hàng đắt hơn vàng. Đỉnh điểm, cuối năm 2020, những cái tên như: Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước, Đôi mắt Pleiku… được sướng tên trên các diễn đàn hoa lan với giá từ hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng cho một giò lan. Những dòng lan var “quốc dân” như: 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hiển Oanh, hay Hồng Yên Thủy, Hồng Minh Châu cũng được đẩy giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/cm.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk, cho biết, nguyên nhân gây nên cơn sốt ảo lan var là một bộ phận nhỏ câu kết, đẩy giá trị thực của lan lên mức “khủng”. Những thương vụ giao dịch hàng chục tỷ đồng cho một mầm lan nhỏ thực chất là trò lừa đảo nhằm thu hút người chơi lan var.
Trước đây, cây xanh cũng xảy ra tình trạng “sốt” tương tự và nhiều người ôm nợ vì bỏ tiền đầu tư. Đối với lan var, ngành chức năng đã cảnh báo, tuyên truyền rất nhiều, nhưng nhiều bạn trẻ thiếu kinh nghiệm vẫn lao vào và hậu quả là nợ nần chồng chất.
“Chúng tôi khuyến cáo những người đam mê hoa, cây cảnh cần có kiến thức am hiểu, nhất là tình yêu với môn nghệ thuật mà mình đam mê. Không nên chạy theo những phi vụ lợi nhuận kinh tế mà biến tướng, làm mất đi giá trị của cái đẹp từ hoa, cảnh”, ông Tuyên khuyến cáo.