° Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Thân nhân của người có công với cách mạng được ngân sách nhà nước đóng BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT. Cụ thể là thân nhân (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; con đẻ từ trên 6 tuổi bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt) của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Như vậy, đối với con của người có công với cách mạng, nếu thuộc trường hợp con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; con đẻ từ trên 6 tuổi bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt thì được cấp thẻ BHYT, mức hưởng 95%.
° Tôi đi bộ đội từ năm 1961. Năm 1978, tôi về lại TPHCM, chuyển ngành và nay đã nghỉ hưu. Trong thời gian chiến đấu, tôi bị thương 26%. Vậy vợ tôi có được cấp thẻ BHYT không? (NGUYỄN VĂN TUẤN, quận 6, TPHCM)
° Ông vui lòng tham khảo câu trả lời ở trên. Trong đó, thân nhân của thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được cấp thẻ BHYT. Trường hợp vợ ông, rất tiếc không thuộc đối tượng được hưởng quyền lợi BHYT theo diện thân nhân của người có công với cách mạng.
° Tôi đi bộ đội từ 1970-1982, vừa tham gia chống Mỹ, vừa bảo vệ biên giới. Tôi có thẻ BHYT 100%. Tôi cũng có đầy đủ huân chương, huy chương kháng chiến. Vợ tôi làm nội trợ, bà ấy có được cấp BHYT không? (NGUYỄN AN QUÝ, quận 2, TPHCM)
° Ông vui lòng tham khảo câu trả lời bạn anhngan.1987…@ gmail.com ở trên. Nếu ông thuộc một trong các đối tượng như tôi đã nêu thì liên hệ với Phòng LĐTB-XH quận 2 để được hướng dẫn thủ tục cấp thẻ BHYT cho vợ.
° Tôi là cán bộ hưu trí, là thương binh loại A, tỷ lệ 12% (4/4) và là người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam, tỷ lệ 61%. Vợ tôi có được BHYT diện “ăn theo” tôi hay không? (ĐỖ DUY SƠN, quận 4, TPHCM).
° Thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được cấp thẻ BHYT. Như vậy, vợ của ông thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT. Vợ ông cần liên hệ với Phòng LĐTB-XH quận 4 - là nơi quản lý người có công với cách mạng - để được hướng dẫn thủ tục cấp thẻ BHYT theo đối tượng thân nhân của người có công với cách mạng.
° Vợ liệt sĩ tái giá có được cấp thẻ BHYT không? (LÊ THỊ LÀNH, quận Bình Tân, TPHCM)
° Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Thông tư liên tịch số 41/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, thì thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ được ngân sách nhà nước đóng BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT. Bà cần liên hệ với Phòng LĐTB-XH quận Bình Tân để được hướng dẫn thủ tục cấp thẻ BHYT nếu đủ điều kiện theo quy định.