Câu chuyện kịch nhiều cung bậc cảm xúc được dàn dựng với chỉ 2 nhân vật bà Vy và ông Khanh. Cả hai có thời tuổi trẻ là bạn học của nhau, Khanh từng yêu Vy, nhưng rồi số phận đẩy đưa, mỗi người rẽ đi mỗi ngã. Tuổi về chiều, họ vô tình gặp và nhận ra nhau nơi công viên, chia sẻ với nhau những khoảnh khắc ấm áp còn lại của cuộc đời.
Vy và Khanh kể cho nhau nghe nỗi niềm hạnh phúc lẫn lúc cùng quẫn của cuộc đời mình: chồng Vy mất vì ung thư, con trai mê bài bạc thiếu nợ, bà phải bán nhà trả nợ cho con, con bỏ nhà đi biệt, từ đó bà một mình lẻ bóng, chông chênh giữa dòng đời. Trong khi đó, Khanh mất vợ sớm, ở vậy nuôi đứa con gái, con gái bỏ học giữa chừng để lấy chồng giàu. Con rể quá vũ phu, ông dù ở bên cạnh cũng không thể bênh vực con, rồi ông bị đưa vào viện dưỡng lão, phải xa con cháu…
Hai người bạn già sống đơn độc cùng nỗi niềm riêng, sự lo lắng của người làm cha làm mẹ. Từ đồng cảm đó, họ xích lại gần nhau hơn để có niềm an ủi, chút niềm vui lúc tuổi già. Trong nhiều khoảnh khắc, ở một góc công viên yên vắng, xanh mát, bên cạnh những chú chim bồ câu túm tụm tìm thức ăn là 2 ông bà lão thảnh thơi trò chuyện; họ cùng chia nhau ổ bánh mì, chai nước và cùng cười, cùng rưng rưng nước mắt vì những câu chuyện cuộc đời. Tất cả tạo nên sự lắng đọng yêu thương, để tình người, tình già cứ lan tỏa mãi.
Câu chuyện tuy chỉ có 2 nhân vật nhưng vẫn tạo được đủ đầy cung bậc cảm xúc cho người xem qua tài năng diễn xuất và hóa thân nhân vật của NSƯT Ngọc Trinh và diễn viên Hòa Hiệp. Đặc biệt, đạo diễn Ngọc Hùng đã khéo sáng tạo, khai thác triệt để hiệu ứng ánh sáng, kết hợp kỹ thuật điện ảnh và nghệ thuật múa bóng để diễn những đoạn hồi tưởng quá khứ và mơ ước của 2 nhân vật chính, làm mới không gian vở kịch. Nghệ thuật điện ảnh và múa bóng được sắp xếp hợp lý trong mạch chung, hội đủ cao trào, kịch tính, kết nối liền mạch câu chuyện, tạo sức cuốn hút độc đáo cho tác phẩm.