Tôi làm chế độ bảo hiểm thai sản cho nhân viên nam trong công ty. Vợ của nam nhân viên này không tham gia BHXH, vậy hồ sơ, chế độ thai sản của nam nhân viên này ra sao? (Hồng Diễm, quận Tân Bình, TPHCM)
Bà NGUYỄN THỊ THU - Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Trường hợp vợ không đóng BHXH, hoặc đóng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng lương cơ sở. Đề nghị đơn vị nộp hồ sơ theo phiếu giao nhận 201 gồm: mẫu C70a-HD; giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực). Lưu ý: kê khai số chứng minh nhân dân của vợ vào cột 3 mẫu C70a-HD.
Tôi là nhân viên công ty ở quận Gò Vấp, TPHCM. Vợ tôi vừa sinh con nhưng vợ tôi không tham gia BHXH, tôi có tham gia BHXH từ tháng 1-2017 cho đến nay, vậy tôi cần nộp những giấy tờ gì cho công ty để làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm sinh con đối với người chồng? Tôi được biết vợ sinh mổ thì tôi là chồng được nghỉ 7 ngày, vậy tôi cần thêm giấy tờ gì nữa không để hưởng trợ cấp 7 ngày đó? (Nguyễn Văn Tấn, quận Gò Vấp, TPHCM)
° Trường hợp vợ không tham gia BHXH, chồng tham gia BHXH thì người chồng được hưởng trợ cấp thai sản 1 lần khi vợ sinh con. Điều kiện hưởng: lao động nam phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con (tương tự như điều kiện hưởng trợ cấp thai sản đối với lao động nữ sinh con). Mức hưởng là 2 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con. Thủ tục hưởng: lao động nam nộp bản sao giấy khai sinh của con cho đơn vị sử dụng lao động nơi đang tham gia BHXH.
Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Cụ thể điều kiện hưởng: lao động nam đang tham gia BHXH. Số ngày nghỉ hưởng chế độ thai sản để chăm sóc vợ khi vợ sinh con: 5 ngày làm việc; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Thủ tục hưởng: lao động nam nộp bản sao giấy khai sinh của con cho đơn vị sử dụng lao động nơi đang tham gia BHXH. Hồ sơ gồm: bảng kê 201 phiếu giao nhận hồ sơ, danh sách C70a-HD, chứng từ theo từng chế độ hưởng (nêu trên); nộp hồ sơ qua đường bưu điện.
Trước năm 2016, tôi có tham gia BHXH ở những công ty trước. Sau khi nghỉ việc, tôi đã làm thủ tục nhận BHXH một lần và cơ quan BHXH cũng thu hồi lại sổ của tôi. Sau đó, tháng 10-2016, tôi ký hợp đồng với công ty khác, đến tháng 3-2017, tôi nghỉ việc mà không nghe công ty liên lạc lên lấy lại sổ BHXH. Tháng 1-2019, tôi đi làm ở công ty mới và tôi liên lạc lại công ty cũ để lấy sổ thì công ty nói tôi chưa nộp sổ BHXH nên chưa chốt được. Vậy, tôi phải lấy sổ ở đâu trong trường hợp này? (Nguyễn Ngọc Huyền, quận Bình Thạnh, TPHCM)
° Trường hợp người lao động có sổ BHXH đã hưởng trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp bị thu hồi sổ, nay tiếp tục tham gia BHXH tại công ty mới thì lập hồ sơ theo phiếu GNHS 625 nộp cho cơ quan BHXH nơi đang tham gia để cấp lại sổ BHXH tiếp tục tham gia BHXH.
Cách tra cứu để biết thời gian, quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm y tế của bản thân mình như thế nào? (Nguyễn Thị Hồng, quận 5, TPHCM)
° Để biết thông tin cá nhân về BHXH, bảo hiểm y tế, chị có thể soạn tin nhắn gửi về 8079. Tra cứu thời gian tham gia BHXH, soạn cú pháp BH QT (mã số BHXH); tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian, soạn cú pháp BH QT (mã số BHXH) (từ tháng - năm) (đến tháng - năm); tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian năm, soạn BH QT (mã số BHXH) (từ năm) (đến năm); tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT, soạn BH THE (mã thẻ BHYT); tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ, soạn BH HS (mã hồ sơ) gửi tới 8079.