Vợ chồng và chuyện… hơn thua

Câu nói vui “Nhà là phải có nóc” không còn xa lạ với nhiều gia đình. Tuy nhiên, khi 1 nhà có đến 2… nóc, ai cũng muốn giành phần hơn về mình thì thiệt thòi lớn nhất thuộc về những đứa trẻ, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của các em.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Đồng minh bất đắc dĩ

Từ nhỏ đến lớn, Nam Phong (14 tuổi, ngụ ở quận Tân Bình, TPHCM) đã quen với những cuộc cãi vã không hồi kết của cha mẹ. Mỗi lần phụ huynh xảy ra bất đồng, cậu chỉ muốn đóng chặt cửa phòng, tắt điện thoại để không bị kéo vào những tranh cãi đó. Song lần nào cũng vậy, nếu không cha thì mẹ sẽ kéo cậu làm đồng minh, buộc cậu phải lên tiếng đứng về phía cha hay mẹ.

Không dừng ở chuyện ai đúng - ai sai, sau mỗi lần cãi vã, cha mẹ lại thi nhau nhắn tin kể tội người còn lại với cậu con trai duy nhất trong nhà. Nhiều lần đang trong lớp học thêm, hoặc dự tiệc sinh nhật cùng đám bạn, điện thoại Nam Phong bị “giội bom” tin nhắn từ cha mẹ khiến cậu ước mình là… trẻ mồ côi.

Mùa hè vừa qua, Minh Lan (17 tuổi, học sinh một trường THPT ở quận 3, TPHCM) hạ quyết tâm tìm việc làm thêm kiếm tiền để không phải xin tiền tiêu vặt từ cha mẹ. Nguyên nhân xuất phát từ việc cô nàng đã quá mệt mỏi vì mỗi lần cha, hay mẹ cho tiền lại hỏi: người kia cho bao nhiêu để cho nhiều hơn (ngầm ý cha, hay mẹ mới là người thương con hơn).

Không biết từ lúc nào, cô con gái rượu trở thành cái cớ cho cha mẹ thể hiện ai là người hy sinh nhiều nhất cho gia đình. Từ việc mua quà tặng con trong ngày sinh nhật, đến sắm sửa các loại thiết bị đắt tiền như đồng hồ, máy tính, điện thoại, luôn có một cuộc “chạy đua vũ trang” ngầm giữa cha và mẹ.

CN4 mai am thay.jpg
Thuận vợ thuận chồng mang đến hạnh phúc cho con. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thời gian đầu, Minh Lan cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ đón nhận sự quan tâm của cha mẹ. Cô nàng hãnh diện khoe với bạn bè về những món quà đắt tiền ngoài sức tưởng tượng của bản thân. Khi trị giá những món đồ ngày càng tăng theo cấp số nhân cũng là lúc Minh Lan nhận ra không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Những trận cãi vã, nghi ngờ, phán xét giữa cha mẹ xảy ra thường xuyên hơn. Tiền bạc không mua được bữa cơm đầm ấm của gia đình, những lời yêu thương hay sự quan tâm, chia sẻ.

Sự đồng hành là tài sản lớn nhất

Thực tế cho thấy, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cả cha và mẹ thành công với sự nghiệp riêng của mình thường thiếu thốn tình cảm hơn so với bạn bè có hoàn cảnh gia đình bình thường. Người viết thực hiện một cuộc khảo sát nhanh với 200 học sinh tiểu học và THCS ở quận 1 và 3 (TPHCM) về tổng số giờ cha mẹ dành cho con trong một ngày. Kết quả, hơn 60% các em cho biết, cha mẹ dành 3-4 giờ/ngày để nói chuyện, hỏi han việc học hành của con; hơn 22% cha mẹ chỉ dành 1-2 giờ/ngày, và khoảng 18% cha mẹ gần như phó thác hoàn toàn con cho ông bà, người giúp việc.

Đáng nói, hầu hết những gia đình để người giúp việc hoặc ông bà chăm sóc con thì độ tuổi trẻ bắt đầu sử dụng các thiết bị điện thoại di động, máy tính bảng sớm hơn những trẻ được cha mẹ dành thời gian quan tâm chăm sóc. Nhiều em cho biết, khi cha mẹ sát sao thì sẽ khuyến khích con đọc sách, làm việc nhà, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Nhờ đó, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình gắn kết hơn.

Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, hành vi, tính cách của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. Cách đối xử của người lớn với nhau chính là tấm gương phản chiếu thói quen và hành vi của một đứa trẻ. Nếu trẻ lớn lên trong một gia đình dư dả tiền bạc nhưng đầy ắp sự hơn thua, nghi kỵ sẽ khiến trẻ không cảm nhận được tình cảm yêu thương, coi trọng các giá trị vật chất, bỏ qua yếu tố tinh thần - vốn là chỗ dựa vững chắc trong hành trình lớn lên của mỗi người.

Vì vậy, thay cho việc dành toàn bộ thời gian, sức lực để kiếm tiền, cha mẹ cần sắp xếp thời gian để đồng hành, chia sẻ vui buồn với con cái. Tiền biết kiếm bao nhiêu cho đủ, trong khi tuổi thơ của con sẽ trôi qua rất nhanh. Đừng để đến lúc xuất hiện bức tường ngăn cách giữa cha mẹ và con cái, thì mọi nỗ lực “gần con” đều trở nên vô nghĩa.

Trong bối cảnh các công cụ giao tiếp trên mạng xã hội phát triển nhanh như vũ bão, trẻ dễ bị cuốn vào thế giới ảo với vô vàn nguy cơ, cạm bẫy. Nếu cha mẹ không chủ động gần con, hiểu được tâm tư, tình cảm của trẻ, sẽ không thể nào đồng hành, kịp thời uốn nắn hành vi sai trái, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục