Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang: Tình yêu ấy đã trở thành “huyền thoại”

Trong lịch sử văn học Việt Nam có những điều hết sức lý thú. Chẳng hạn, khi đọc/nghe tác phẩm của người này, lập tức ta lại mường tượng đến người “đầu ấp tay gối” của họ. Có thể kể đến những đôi uyên ương tuyệt đẹp như Đông Hồ - Mộng Tuyết, Nguyễn Xuân Sanh - Cẩm Thạch, Chế Lan Viên - Vũ Thị Thường, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh… và trong đó có Lư Nhất Vũ - Lê Giang. Cho đến nay, tình yêu của họ đã trở thành “huyền thoại” về sự gắn bó đồng cam cộng khổ trải dài theo năm tháng.

q1c-4980.jpg
Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang. Ảnh: LAM ĐIỀN

1. Về nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tôi đồ rằng, ít ai biết, khi mới chập chững bước chân vào thế giới sáng tạo nghệ thuật, ông đã là nhà thơ. Khi chưa tròn 20, ông đã có thơ in trên Báo Dân Ta do nhà thơ Nguyễn Vỹ làm chủ bút. Bài thơ đầu tay Mồ chiến sĩ của ông được in báo với bút hiệu Lư Phong, nay đọc lại, có những đoạn xúc động đầy khí phách: Ta lại nhớ nơi đây mồ chiến sĩ/ Dĩ vãng hiên ngang đạp lửa binh/ Chí hùng chiến đấu say binh khí/ Cản sóng xâm lăng cứu dân lành.

Sở dĩ có mạch cảm hứng này là do lúc bấy giờ, ông được người tù cộng sản là anh Thành, hoạt động cách mạng tại đồn điền cao su Dầu Tiếng giác ngộ; từ đó, cậu bé Lê Văn Gắt (tên thật của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ) bắt đầu học thuộc lòng và nắn nót ghi thơ Tố Hữu vào trong sổ tay. Nhắc lại chi tiết này, hoàn toàn không ngẫu nhiên, bởi khi ông đến với nhà thơ Lê Giang, ngoài nhiệm vụ trên nẻo đường kháng chiến thì ở trong ông còn có sự đồng cảm về thơ. Từ đất Thủ Dầu Một, Lư Nhất Vũ lên Sài Gòn ăn học. Thời đó, không chỉ làm thơ, ông còn bắt đầu “lấn sân” qua lĩnh vực âm nhạc với nhạc phẩm đầu tiên là ca khúc Bài ca giã từ. Và ngày 1-7-1955, từ ga Bến Thành (Sài Gòn) ông bắt đầu hành trình mới: Từ biệt quê hương cách xa phố nghèo/ Một chiều gió cuốn mưa rơi tầm tã/ Tiếng còi âm vang như đang giục giã/ Bước chân giang hồ dặm đường xa xăm.

Trong chuyến đi đó, Lư Nhất Vũ có mặt tại Hà Nội, rồi nộp đơn thi vào trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên. Có một trùng hợp thú vị, ngày 13-4-1970 đánh dấu sinh nhật lần thứ 34 của ông thì cũng là ngày ông cùng bạn bè lên tàu từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đi vào chiến trường miền Nam. Khi vào đến căn cứ ở Tây Ninh, không chỉ tham gia sáng tác phục vụ cách mạng mà ở đó ông đã gặp được nhà thơ Lê Giang. Để rồi trong một ngày mưa tầm tã, ông viết: “Hai đứa tôi sẽ lặn lội xuống tận Cà Mau. Nàng về quê mẹ, còn tôi về quê vợ”. Nàng Lê Giang của ông tên thật là Trần Thị Kim, còn có bút danh Vũ Kim Sa, quê Cà Mau, sau khi tập kết ra Bắc, trở về chiến trường B vào năm 1964, công tác tại Ban Dân y miền Nam; từ năm 1968, chuyển sang làm Báo Văn nghệ Giải phóng.

2. Khi về đến Cà Mau, Lư Nhất Vũ và Lê Giang cùng hợp tác viết một tác phẩm dài hơi. Đó là lúc Lê Giang viết kịch bản Hòn Khoai, kể về cuộc đời của nhà giáo, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển, gồm 5 chương: Tiếng ru, Lời nói lương tâm, Người hát dạo, Gọi gió, Bão biển. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại: “Tôi đóng cái bàn con bằng cây mắm để đặt giữa mùng trốn muỗi, rồi mua 1 cây thuốc lá Ruby, 2 lố đèn cầy và bắt đầu viết lia viết lịa. Viết tới đâu, Lê Giang đặt lời tới đó: Ơi quê mẹ Cà Mau/ Mảnh đất cuối trời Việt Nam/ Mảnh đất hùng thiêng là lòng ta yêu dấu thiết tha/ Đất Khai Long còn đây in dấu chân/ Sóng Tam Giang ngày đêm vẫn vỗ về...”.

Sự kết hợp này đã đem lại cho đời một tác phẩm hay, gây tiếng vang lớn trong vùng kháng chiến Bầu Dứa (tỉnh Cà Mau). Sau này, năm 1980, Lê Giang và Lư Nhất Vũ chỉnh lý cho Đoàn Ca nhạc Tam Giang dựng lại với quy mô lớn. Vở do nghệ sĩ Quốc Trụ đạo diễn, Bá Thái dựng múa, Thái Hà thiết kế mỹ thuật… Có thể xem đây là một trong nhiều tác phẩm gắn kết “tâm đầu hợp ý” nhất của đôi vợ chồng này.

Đôi lúc tôi tự nhủ, có phải hôn nhân là duyên nợ hay gì khác, hỏi như thế bởi chúng ta phải thừa nhận rằng, đến nay chưa một đôi uyên ương nào có chung nhiều tác phẩm như họ. Vì thế, khi nhắc đến Lư Nhất Vũ với các ca khúc đi vào lòng người, ta lại nghĩ đến Lê Giang, và ngược lại. Có thể kể đến các ca khúc: Khúc hát người đi khai hoang; Hãy yên lòng, mẹ ơi… Và gần đây, cả hai đã có được ca khúc rất ấn tượng là Bài ca đất phương Nam. Nếu không là người miền Nam, yêu mảnh đất phương Nam đến tận cùng máu thịt, họ không thể có được ca khúc hào hùng, hảo sảng đến vậy.

Không chỉ có thế. Thêm một sự kết hợp nữa ở Lư Nhất Vũ và Lê Giang rất đáng trân trọng, đó là vào những năm tháng đã bước qua tuổi sắp xế chiều, cả hai cùng vài cộng sự là các tên tuổi thành danh, gồm: Thạch An, Nguyễn Văn Hoa, Phan Nhân, Phi Điểu… thực hiện nhiều công trình sưu tầm, biên khảo có giá trị lâu bền như Dân ca Bến Tre, Tìm hiểu dân ca Nam bộ, Dân ca Kiên Giang, Dân ca Cửu Long, Dân ca Hậu Giang, Dân ca Sông Bé… Có thể nói, độ lùi của thời gian càng dài ta càng thấy vẻ đẹp của những “viên ngọc quý” này trong đời sống người Nam Bộ. Rồi vợ chồng ông cùng với nhạc sĩ Lê Anh Trung thực hiện biên niên sử âm nhạc Hành khúc giải phóng.

cn3-nhan-vat-5988.jpg
Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang đón chào các bạn văn trẻ. Ảnh: LAM ĐIỀN

3. Khi mới từ miền Trung vào học đại học tại TPHCM, lúc tìm đọc những bộ sách sưu tầm dân ca, ca dao miền Nam, tôi hết sức ngưỡng mộ vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang. Từ sự đồng điệu và sự yêu thích văn học dân gian, tôi đã mượn câu chữ “Tìm ngọc ở quê mình” của nhà thơ Lê Giang để làm tựa cho một bài thơ. Trong đó, đoạn kết là điều bà đã nói đến trong nhiều bút ký kể lại tháng ngày đi sưu tầm “hạt ngọc”: Cầm chén cơm ăn bây giờ con thấm thía/ Những câu hò như máu chảy trong con/ Nuôi con lớn quý như là hạt ngọc/ Dạy con làm người phải biết nghĩa biết ơn.

Bài thơ này được in trên Báo SGGP số ra ngày 30-11-1986. Thật thú vị, sau đó nhờ bài thơ “bắc cầu”, tôi được gần gũi lui tới trò chuyện với vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang nhiều hơn. Lúc ấy, ông bà còn ở chung cư số 190 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Kỷ niệm còn nhiều trong ký ức, nay chỉ xin nhắc lại một chi tiết, có lần tôi hỏi: “Cô nghĩ gì về hạnh phúc?”, cô Lê Giang đáp: “Tôi nghĩ đến bữa cơm đơn sơ, giản dị nhưng đầy tình cảm yêu thương giữa vợ chồng, con cái - chính điều này làm bữa cơm gia đình ngon miệng và ấm cúng hơn. Người phụ nữ lúc này phải dịu dàng, vui vẻ”. Khi bà trả lời, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ngồi cạnh mỉm cười đồng tình, trông đôi vợ chồng vừa tình cảm, vừa đầy xúc động.

Tin cùng chuyên mục