1. Đó là lão nông Nguyễn Hải Thiện (81 tuổi) cùng vợ Nguyễn Thị Thường (70 tuổi, ở làng Niệt, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), sinh 10 người con, đã mất một người. Từ đầu làng Niệt, hỏi nhà ông Thiện, bà Thường, người dân chỉ đường nhiệt tình. Chạy dọc con đường nhỏ từ cầu Chợ Gát, ngược lên một nhánh của sông Gianh, men theo núi Léo, nhà cụ ở trong góc rừng.
Còn theo bà Thường, cuộc sống ở miền núi khổ cực, đi lại trắc trở nhưng con cái cứ muốn vượt sông Gianh qua trung tâm xã đi học cái chữ. “Con đông, nhà thì nghèo, nhưng vợ chồng quyết tâm dẫu khó khăn đến mấy cũng phải cho con học hành. Đứa nào hết cấp 3 muốn học tiếp thì cho đi đại học, trung cấp. Đứa trước vào đại học thì đứa sau cũng muốn phấn đấu như chị”, bà Thường tâm sự và ngậm ngùi nhớ lại một thời thiếu gạo, ăn khoai sắn độn cơm, tối lại mượn bàn kê lên cho mấy đứa con học với đèn dầu leo lắt...
2. Nhà của vợ chồng cụ Thiện nằm trong vùng rốn lũ, năm nào cũng bị 2 trận lũ vào nhà. Có những trận lũ lớn, vợ chồng con cái trèo lên nóc nhà ngồi. Sách vở, tài sản bị cuốn trôi nhưng cụ Thiện vẫn luôn động viên vợ con “còn người còn của”.
Để có tiền đóng tiền học cho các con, vợ chồng cụ chọn nuôi mỗi lứa hai con heo cỏ, nuôi 5 tháng là bán, dễ quay vòng vốn, lại có chút lãi. Cùng với đó là nuôi gà, trồng rau, làm ruộng… “Con đông, tôi làm thêm việc bán thuốc trầu têm. Vùng núi cao, gió lạnh, bà con hay ăn trầu nên bán kiếm mỗi thứ một ít để gom góp cho con đi học. Mùa đông rét lắm, muốn mua đôi dép nhưng lại thấy đàn con cần tiền đi học đành không mua”, bà Thường kể. Cụ Thiện tiếp lời: “Có nhiều khi thèm một bữa cơm có chút thịt, chút cá, nhưng nhìn lại trong nhà đến ngày gửi tiền cho con ăn học trên đất khách quê người, đành phải nhịn miệng, nhịn mặc để dồn hết, gửi cho con. Những mùa lũ xưa, bến đò từ thôn qua xã chưa có cầu, người làng cũng ít ai dám chèo đò qua lại nhưng tôi cụt một tay, tay còn lại vẫn chèo đò vượt lũ cho con đến trường. Những đứa con nhìn cha mẹ như vậy, bên trong cũng nung nấu ý chí quyết tâm học để có tương lai tốt hơn”.
3. Bây giờ, chỉ vợ chồng cụ Thiện sống trong căn nhà xưa nhưng họ nói không hề buồn mà lại vui và hạnh phúc, bởi con cái đi xa là đã trưởng thành. Cụ Thiện lật mấy trang viết thống kê và nói: “9 đứa con đứa nào cũng học hành nên người. Một đứa làm kế toán, tám đứa còn lại làm giáo viên. Trong 8 đứa làm giáo viên thì có đứa còn đang giảng dạy, có đứa làm hiệu phó, làm trưởng phòng giáo dục. Chúng ra trường đều tự tìm việc, vợ chồng già chỉ nghe báo con làm chỗ này, đậu trường kia mà mừng vui rơi nước mắt”. Vợ chồng cụ Thiện cũng có con rể là giáo viên, thành ra, nhà cụ cả thảy 9 người theo nghề giáo. “Nay già rồi, tôi có một mong muốn là làm sao cả gia đình 9 đứa con cùng 19 đứa cháu về quê chụp với nhau cái ảnh kỷ niệm trước khi nhắm mắt. Xưa tiễn con ra đi bên bờ sông Gianh mong con có cái chữ, nay mong con về đủ đầy là mừng lắm rồi”, cụ Thiện vừa nói vừa bỏm bẻm nhai trầu.
Các con của vợ chồng cụ Thiện đối đãi với mẹ cha cũng thật hiếu thảo. Tháng lương đầu tiên họ đều đưa về cho hai cụ lo cho các em. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên Trường Tiểu học Hương Hóa, kể: “Các chị ra trường, tháng lương đầu tiên đều gửi về cho ba mẹ lo chút đỉnh. Hồi đi dạy ở huyện Lệ Thủy, tháng lương đầu của em được 850.000 đồng, em ra chợ ở Đồng Hới mua cho mẹ cái áo và cho ba 1 cái quần”. Con cái hai cụ ai cũng dành tháng lương đầu tiên mua cho họ chút áo quần, bởi theo như cô giáo Phương, cả nhà ám ảnh việc thiếu thốn quần áo, mong có bộ áo quần ấm mặc khi sang đông, hay bộ áo quần lành lặn sau mỗi mùa mưa lũ. Bên sông Gianh, thời trước khó khăn, nhà nào cũng thiếu áo quần.
Cuộc sống tuổi già của vợ chồng lão nông Nguyễn Hải Thiện không phải tất tả như trước. Căn nhà lợp lá cọ ấy đã được các con gom góp lại xây tường kiên cố với ngói đỏ. Những đứa con còn xây cho ba mẹ một cái chòi tránh lũ ở tầng 2. Bà Thường nói: “Nhờ con cái cả. Lo cho chúng ăn học không mong chúng lo lại cho mình, nhưng thấy bọ mạ (ba mẹ - PV) như vậy, chúng xót lòng mà góp lại làm nên. Còn nợ nần cho chúng ăn học cũng trả xong cách đây 5 năm. Giờ hai vợ chồng già có gì dùng nấy”. Khi sửa sang nhà cửa, hộ cụ Thiện vẫn còn khó khăn vì nợ cho con cái ăn học chưa trả xong, xã ưu tiên hỗ trợ 40 triệu đồng, cụ chỉ nhận 20 triệu, nửa còn lại cụ nhường cho hộ khó khăn hơn trong thôn.
Ngày nay về làng Niệt, một ngôi làng không phải có lịch sử lâu đời về khoa bảng nhưng nhắc đến cụ Thiện, bà Thường, ai cũng xem họ là đôi vợ chồng có kỳ tích nuôi đàn con lớn khôn, góp phần cho sự nghiệp trồng người.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Cụ Thiện, cụ Thường là người phi thường nuôi con ăn học. Làng Niệt là nơi hẻo lánh nhất trong vùng hẻo lánh của huyện mà có một gia đình nuôi 9 con ăn học nên người, có 8 giáo viên, là một kỳ tích. Các con ông bà đi làm cũng hết mình với nghề nghiệp, khiêm tốn và luôn có chí tiến thủ. Trong số 8 người con của ông bà, có cô Nguyễn Thị Hường dạy tại Trường Tiểu học số 1 Đồng Lê, là giáo viên tiêu biểu giai đoạn 1982-2022 vì những đóng góp cho ngành giáo dục, đang đề nghị Bộ GD-ĐT tặng bằng khen”. |