Trước những bữa cơm, bố thường đòi uống rượu, nói cả chục lít rượu thuốc còn đầy ắp không biết uống bao giờ mới hết. Trăm lần như một, mẹ gạt phăng, rượu gì, hôm nào có tiệc tùng, có đủ đám con thì rượu đã đành, có một mình uống gì?
Bố hừ, có đình có đám ai uống rượu thuốc? Rượu thuốc là rượu bổ, uống linh tinh có khéo bổ ngửa! Hay làm lon bia cho mát vậy! Rồi mẹ sẽ càm ràm về tác hại của bia rượu, đến nỗi những điều mẹ nói, con bé Hân ba tuổi cũng có thể xòe xòe ngón tay ra nói lại được. Mẹ lại mắng thằng con rể mỗi lần đến là lại vác theo thùng bia chất tủ lạnh, chỉ tổ tốn điện và làm hư bố.
Hai ngày nay bố không đòi uống, chị đoán biết tình hình có gì đó không ổn, hẳn mẹ vẫn chưa nhận ra. Bố vẫn nói mẹ tính thiên lôi, chuyện gì cũng toang toác, đàn bà mạnh mẽ cả tinh thần và thể xác thế để làm gì. Công chuyện gì cũng vơ vào người rồi lại than khổ than sở - “Mỗi lần nghe mẹ mày than, tao nhức hết cả đầu. Mà cái nhà này không có mẹ mày chắc chẳng được vầy”.
Được vầy, theo ý bố là hai đứa con học hành đến nơi đến chốn, con gái gả chồng, con trai cưới vợ, cháu nội cháu ngoại đủ cả. Con gái ở gần đấy nên ngày nào cũng kéo rốc nhau lên ăn cơm chung với ông bà. Con trai ở dưới phố, cách hai chục cây số, cuối tuần mới về thăm. Nhà cửa tuyệt không một chút điều tiếng. Tất cả đều do một tay mẹ thu xếp, vun vén.
Hồi đó, bố mẹ cưới nhau được ba ngày là… đường ai nấy bước. Hai người hai công trình khác nhau, cách nhau gần năm trăm cây số. Bố là lái xe, mẹ là cấp dưỡng, trước khi cưới đã xin tổ chức cho về chung một công trình nhưng chưa được. Chưa kịp chuyển để “hai trẻ về chung một nhà” thì công trình bố hết việc, bố được điều đến chỗ mẹ, người với xe đến hôm trước thì hôm sau phải về trụ sở họp sơ kết sáu tháng đầu năm. Họp xong hai ngày, người ta trở lại công trình, mẹ ở luôn lại công ty vì đã một người thành hai.
Cứ thế, một năm hai ba lần bố về. Gói gọn một năm bố mẹ ở cạnh nhau chưa được nửa tháng. Thi thoảng mẹ ẵm con gái theo xe lên công trình cho bố con gặp nhau. Thi thoảng bố theo đoàn chuyển máy, ghé qua nhà. Từng có hai lần bố bị con gái đuổi: “Chú về đi cho cháu đi ngủ, mẹ ơi bảo chú về đi!”.
Ba năm gần lúc về hưu, bố mới được ở gần nhà. Lúc ấy mẹ mới nhận ra bố mẹ không hợp tính nhau, khi mẹ định mua cho bố cái xe, hỏi bố thích xe gì, bố bảo xe gì chạy được thì thôi. Nhưng khi mua xe cho con gái lại nói mua xe đời mới, con gái ra đường lỡ hư hỏng biết làm sao…
Mẹ cáu, tiết kiệm để mai kia lót quan tài cho êm à? Bố lườm, bà cứ dùng đủ phần bà đi, phần tôi cho con Linh, con gái cứ phải có tài sản, có vốn riêng mới được. Và bố còn khăng khăng cho con gái mảnh đất, sau này để lại cho cháu ngoại.
* * *
Chị ở gần, mỗi lần ghé về nhà lại nghe mẹ than: “Tao như mụ osin già không lương, lúc nào cũng luôn chân luôn tay mà ổng còn chưa vừa lòng. Bữa trưa có hai thân già thì ăn bún mì gì nhẹ nhàng thôi, chiều đám con cháu về, rồi tụ tập ăn gì thì ăn. Đằng này cứ phải một kho một canh, ngày nào cũng kho mà nuốt được. Không lẽ tuổi này lại lôi nhau ra tòa ly dị”.
Chị có chút kinh ngạc, mẹ nói ly dị nghe trơn tru ghê. Kiểu như ấm ức bấy nay, đã nghiền ngẫm suy nghĩ chán chê đi rồi. Mẹ thấy chị thần người giữa sân, đi qua huých vai một cái: Giờ trắng da dài tóc, ăn trắng mặc trơn, biết gì băm bèo thái chuối nữa, thấy mẹ thái chuối cũng không biết ngồi xuống băm hộ.
Chị kéo cái ghế ngồi tréo ngoảy: Con ủng hộ ly dị, mẹ cần con viết đơn hộ không. Gì chứ đơn ly dị con rành lắm, con đã viết bảy tám lần, mỏi tay lắm. Giờ con thông minh lên rồi, gõ vào máy, khi nào cần thì lôi ra sửa ngày tháng là xong. Lát con về in ra cho mẹ mấy tờ. Bố vẫn ghim vụ con hồi bé đuổi bố đi mấy lần, mẹ khổ quá thì chia tay đi, sống một mình cho khỏe. Cả thời trai trẻ, bố ôm mấy cánh rừng hoang vắng với cái vô lăng ngắm thủy điện, nhiệt điện, có chăm sóc mẹ con mình ngày nào đâu. Giờ về già còn đốc chứng…
Mẹ ngẩn người: Tao nói có một câu mà mày hăng hái như đọc diễn văn thế? Rồi cái nhà này thì sao? Rồi nhỡ chúng mày không nuôi thì tao đi đâu?
Chị treo ánh mắt lên giàn cây. Nơi ấy nào bầu nào bí, rồi mướp hương mướp nhật chen chúc nhau, quả lõng thõng thậm thượt. Là mẹ đi chợ xin hạt giống, xin tro trấu, rau củ hư thối; bố đào thành những cái hố to, đổ xuống cùng ít vôi bột, đợi ải rồi trồng lên. Là bố ngày hai buổi sáng tối kéo ống nước tưới, là bố sáng sáng đi tập thể dục về, bắc thang hái hoa đực ụp vào thụ phấn cho hoa cái.
Sáng nào đó, mắt mũi kèm nhèm sao mà bố úp hoa bầu cho hoa bí, mẹ càu nhàu, rồi nó ra giống gì. Bố đang quê thành cáu, thành gì thì đợi sẽ thấy, trồng cho lắm, tưới tốn nước rồi ăn có hết đâu.
Thật may, trưa ấy trời mưa, hoa bí kia không đậu, không thì sẽ có một trận cãi vã nữa. Bố sẽ nói, đó có sao đâu, trồng cả đám vào một chỗ thế này, gió với ong nó chả mang phấn đi lung tung đấy, đợi nó phân biệt cho bà. Mẹ cũng chưa nguôi, ông đi so gió với ong, cũng thật rảnh!
* * *
Dạo này tần suất “đôi già” cãi nhau ngày một nhiều, có khi mẹ phải cầu cứu con gái. Chị ngoài sáng là đồng minh của mẹ, trong tối là gián điệp của bố, ở bên người này tích cực “nói xấu” người kia một cách hồ hởi và hăng say. Đôi khi nhận ra, những điều mình vừa nói ấy, là suy nghĩ thật của mình chứ chẳng phải đang hùa theo bố mẹ nói xấu đối phương cho bố hay mẹ vui.
Buổi tối ông bà đi đám cưới, chị nấu bữa cơm nóng hổi cầu kỳ cho chồng con. Chồng ngạc nhiên: “Nay có sự kiện gì sao?”. Chị lắc đầu, chồng nhíu mày: “Em chắc là không có gì chứ? Anh không có quên ngày kỷ niệm gì của tụi mình chứ?”. Thấy chồng nơm nớp, chị vừa buồn cười vừa muốn cáu, không biết ngày thường mình “thiên lôi” thế nào mà để chồng “mỏng manh” dễ “tổn thương” làm vậy. Hẳn bố cũng thế, từng bao lần thấp thỏm nơm nớp trước mẹ, chẳng qua là muốn làm mẹ vui.
Lại nghĩ, mai kia mình cũng như bố mẹ bây giờ. Ban ngày chỉ có hai ông bà ở nhà, bố khơi để mẹ nói cho nhà có tiếng, cũng để biết tình hình ngoài chợ ngoài ngõ. Mẹ càu nhàu thế, nhưng cũng biết bố đang bù đắp những ngày xa cách xưa, hai thân già như hai vợ chồng son, nhưng lại chung sống với nhau bằng tâm thế của hai đứa trẻ, ai cũng muốn mình thắng.
Bố giận, mẹ chưa làm huề còn đi giận ngược. Chị cáu - bố mẹ ly dị đi, đơn con in sẵn để mấy tờ ngoài xe kia kìa. Nhà này bán chia đôi mua được hai căn chung cư, ai cũng có lương hưu, phần ai nấy ở. Tách nhau ra cho yên chuyện, con cũng mệt lắm rồi!
Mẹ ném mớ rau trộn cám vào chuồng gà, đám gà ùa lại tạo thành một cơn lốc nho nhỏ. Bà nói nhỏ: “Rồi ai cơm nước cho ông ấy, tính ấy ở được với ai, mới già mà đã khó tính như ma, ai nó hầu?”. Con gái đốc vào: Bố bảy mươi, là già rồi chứ mới gì nữa, bố đâu còn là anh lái xe ngày xưa vì lỡ dại tặng cô cấp dưỡng một can dầu bẩn để nhóm bếp mà nên duyên đâu?
Mẹ bĩu môi, ném cái lườm lên nhà trên, nơi bố đang gấp hoa cho cháu gái: Họ nhà bố mày thọ lắm, ít nhất cũng chín mươi, có ông một trăm lẻ năm kia, ông nào cũng tỉnh táo minh mẫn nhưng không vất vả như bố mày. Cái số tao ấy à, còn phải hầu ông ấy lâu…